Multimedia Đọc Báo in

Sông Ba - dòng chảy kết nối (bài cuối)

08:03, 18/05/2025

Bài cuối: Sông Ba và trục kinh tế Đông Tây

Nhờ vị trí địa lý khá đặc biệt, sông Ba không chỉ là cửa ngõ kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, giữa Đắk Lắk với Phú Yên mà còn tạo cho tỉnh Đắk Lắk (mới) sau khi hợp nhất nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư quốc tế.

Dòng sông ánh sáng

Theo định nghĩa của Hội Địa lý Việt Nam thì “sông” là dòng nước có lưu lượng lớn thường xuyên chảy, có nguồn cung chủ yếu là từ hồ nước, từ các con suối hay khe núi, hay từ các con sông nhỏ hơn, nơi có độ cao hơn các nguồn nước có được do nước mưa trong phạm vi lưu vực của sông và chảy trong lòng sông.

Tuy sông ngòi chằng chịt, Việt Nam chỉ có 10 con sông có thể phát triển thủy điện, trong đó có sông Ba, sông Sêrêpốk. Khởi nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh, chảy qua nhiều tỉnh Tây Nguyên rồi đổ ra biển ở cửa Đà Rằng thuộc tỉnh Phú Yên, sông Ba được mệnh danh là “dòng sông ánh sáng” với quy hoạch thủy điện dày đặc, kéo dài từ Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên đến tận Phú Yên. Tính đến cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, trên sông Ba có tất cả 5 thủy điện đang hoạt động. Trên sông Hinh (tức Hinh Hà, là một phụ lưu cấp 1 phía hữu ngạn của sông Đà Rằng, đoạn cuối của sông Ba), tại địa phận xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên có công trình thủy điện Sông Hinh công suất 70 MW và điện năng sản xuất là 370 kWh/năm. Giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk có thủy điện Krông Năng. Thủy điện sông Ba Hạ nằm ở cuối sông Ba, là bậc thang cuối cùng trên sông.

Hội đua thuyền sông Đà Rằng mùng 7 Tết. Ảnh: Lê Ngọc Minh

Sông Đà Rằng, tên gọi của sông Ba ở phần hạ nguồn có đập Đồng Cam dài 688 m, cao 22,4 m so với mặt nước biển. Là con đập tràn lớn nhất miền Trung, đập Đồng Cam được thi công và hoàn thành vào năm 1932, do Kiến trúc sư trưởng Desbos cùng các cộng sự người Pháp thiết kế từ ý tưởng “dẫn thủy nhập điền” cổ truyền của người Chăm. Đập Đồng Cam có hơn 2.500 hạng mục lớn nhỏ cùng hệ thống nông giang với 2 kênh dẫn nước là kênh chính Bắc và Nam, và khoảng 200 km kênh mương nhịp nhàng, đồng bộ dẫn nước cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km². Trong tâm thức của người dân Phú Yên, công trình thủy nông Đồng Cam được ví như mạch máu quê hương, nuôi dưỡng đồng lúa Tuy Hòa.

Khai phá nguồn lực để phát triển

 

"Việc hợp nhất tỉnh Phú Yên và tỉnh Ðắk Lắk không chỉ đơn thuần là thay đổi địa giới hành chính, mà còn là quá trình tái cấu trúc không gian phát triển, tối ưu hóa các nguồn lực, tạo ra một đơn vị hành chính mới có quy mô lớn hơn, tiềm lực mạnh hơn, có sức lan tỏa và cạnh tranh cao hơn trong khu vực và cả nước” - Bí thư Tỉnh ủy,Chủ tịch HÐND tỉnh Phú Yên Cao Thị Hòa An.

Khu vực các tỉnh lưu vực sông Ba ở vào trung độ của đất nước, nằm trên trục giao thông Bắc Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; có các trục Đông – Tây gắn kết các cảng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia, nối các cửa khẩu quốc tế như Đắk Ruê, Đức Cơ, Bờ Y với các cảng biển Vũng Rô, Bãi Gốc, Quy Nhơn…

Nói một cách hình dung, tỉnh Đắk Lắk mới phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai mới, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa mới, phía Tây là phên giậu của Tổ quốc với các nước Lào, Campuchia, phía Đông là Biển Đông. Vị trí này là lợi thế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng giao lưu kinh tế các tỉnh Tây Nguyên và các nước trong khu vực; kích thích kinh tế của các tỉnh trong vùng phát triển. Khi thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực ASEAN, vị trí địa lý này càng là lợi thế quan trọng, đảm nhận chức năng đầu nối trung chuyển Bắc – Nam và là một hành lang kinh tế Đông – Tây phát triển, cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước láng giềng ở phía Tây đến các nước vùng Bắc Á.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, duyên hải miền Trung có đặc điểm chiều ngang hẹp, nhiều đồi núi nên thiếu quỹ đất để phát triển nên các địa phương này chủ yếu phát triển theo hướng Bắc - Nam. Vì vậy, việc kết nối với các tỉnh Tây Nguyên sẽ giải quyết được bài toán thiếu quỹ đất. Các tỉnh Tây Nguyên thì ngược lại, điều kiện tự nhiên là nhiều đồi núi nhưng hạ tầng giao thông, nhất là hướng Đông Tây ra biển còn nhiều điểm nghẽn. Nếu các tuyến giao thông được mở ra, ngay lập tức sẽ tạo nên hành lang kinh tế Đông Tây. Thay vì vận chuyển hàng hóa đi TP. Hồ Chí Minh hay ra phía Bắc, vận chuyển hàng hóa theo hướng Đông  Tây xuống các cảng biển duyên hải miền Trung sẽ rất gần hơn, thuận tiện, giảm được chi phí để từ đó vận chuyển đi khắp nơi trong và ngoài nước.

Nhà máy thủy điện Sông Hinh với quy mô rộng lớn, được thiết kế rất khoa học và bắt mắt. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Sông Hinh

Theo các chuyên gia kinh tế, để chuẩn bị cho sự kết nối “đa nền tảng” này, các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ nên tập trung vào xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là đề xuất Chính phủ đầu tư các tuyến cao tốc. Mỗi địa phương cần một hạ tầng để kết nối “đa phương tiện”, như đường cao tốc từ Tây Nguyên xuống duyên hải phải kết nối vào cao tốc Bắc - Nam, kết nối vào các cảng biển, hệ thống sân bay, để tạo thành chuỗi kết nối không gián đoạn. Đồng thời, các tỉnh trong vùng theo kết nối rừng – biển cũng cần xây dựng các kế hoạch hợp tác phát triển cụ thể, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, xuất nhập khẩu và du lịch sinh thái, văn hóa...

Và đã có những bước khởi động khi lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk sau khi khảo sát, làm việc đã thống nhất đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cấp Quốc lộ 29 với điểm đầu tại cảng Vũng Rô - Phú Yên và điểm cuối là cửa khẩu Đắk Ruê - Đắk Lắk. Ban Quản lý dự án 2 cũng đã trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) – Pleiku (Gia Lai), dự kiến sẽ khởi công ngay trong năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2029. Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum cũng đã được đề cập xây dựng… Và hình ảnh buổi sáng, người dân tắm biển, ăn sáng với hải sản, buổi trưa, buổi tối đã thưởng thức sản vật núi rừng trong không gian cồng chiêng sẽ không còn xa nữa! 

Trần Thanh Hưng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đưa việc học tập và làm theo gương Bác đi vào chiều sâu
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để nghiên cứu, học tập, quán triệt Chuyên đề năm 2025 "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk".