Những khoản đầu tư xanh cho tương lai
Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa chủ trì Hội nghị thượng đỉnh đầu tư toàn cầu (GIS) tại London với tham vọng thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế đổ tiền vào những dự án năng lượng xanh và ủng hộ chương trình nghị sự "Nâng cấp nước Anh".
Sự kiện này diễn ra trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) vào tháng 11.
Như khẳng định của Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Anne-Marie Trevelyan, Vương quốc Anh đang sử dụng đầu tư để củng cố vai trò là một siêu cường về khoa học và công nghệ và là nước tiên phong về công nghệ xanh khi nước này chuẩn bị tổ chức Hội nghị COP26.
Với sự góp mặt của hơn 200 giám đốc điều hành và nhà tài chính lớn nhất thế giới, trong đó có Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co., Jamie Dimon; Giám đốc điều hành Blackrock, Larry Fink và lãnh đạo các tập đoàn như GlaxoSmithKline và Darktrace, GIS là bước thúc đẩy lớn nhất của Anh thời kỳ hậu Brexit (chỉ Anh rời Liên minh châu Âu - EU) trong việc thu hút vốn đầu tư và các đối tác nhằm dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu về công nghệ xanh.
Hội nghị cũng nhằm đảo ngược xu thế sụt giảm đầu tư nước ngoài tại Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào năm 2016, là bước đi đúng hướng để nước này chứng tỏ năng lực thu hút đầu tư ngoài EU sau khi chính thức rời khối vào đầu năm nay. Đây còn là một động thái của Anh trong cuộc cạnh tranh với châu Âu nhằm thu hút đầu tư quốc tế. Vào tháng 6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời hơn 100 giám đốc điều hành và lãnh đạo ngân hàng toàn cầu tham dự sự kiện “Chọn nước Pháp” tại Cung điện Versailles, nơi nước này công bố đã thu hút được 3 tỷ euro đầu tư. Tuần này, Bộ Công nghiệp Italy cũng đưa ra một sáng kiến nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, gần 90% khách mời của GIS đến từ nước ngoài, trong đó 32% từ Mỹ, phản ánh nỗ lực của Thủ tướng Johnson thông qua vốn đầu tư tư nhân nhằm tạo kết nối chặt chẽ giữa Anh và Bắc Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden có phần thờ ơ với thỏa thuận thương mại song phương với Anh.
Diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi khi Anh đang đối mặt với hàng loạt thách thức, bao gồm cuộc khủng hoảng thiếu hụt nhân công, giá năng lượng và lạm phát tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và những căng thẳng gần đây với EU liên quan tới Nghị định thư Bắc Ireland, GIS vẫn chứng tỏ khả năng của Chính phủ Anh trong việc chỉ ra chính xác những tiềm năng kinh tế xanh bền vững của nước này ở các lĩnh vực như công nghệ sinh học và an ninh mạng. Anh đã tận dụng sự kiện này để quảng bá hình ảnh là trung tâm toàn cầu về công nghệ xanh và tài chính, cũng như là điểm đến hàng đầu thế giới về đầu tư xanh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Hội nghị tài chính toàn cầu ở London, Anh, ngày 19-10-2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
GIS là bước tiếp nối thành công của Văn phòng Đầu tư Vương quốc Anh mới được thành lập và gần đây đã đạt một thỏa thuận về khoa học đời sống trị giá 1 tỷ bảng Anh giữa Công ty Đầu tư Mubadala của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Chính phủ Anh.
Hội nghị cũng diễn ra vào ngày Chính phủ Anh công bố "Chiến lược trung hòa khí thải" nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế không CO2 với mục tiêu tạo ra 440.0000 việc làm lương cao và thu hút 90 tỷ bảng Anh đầu tư tư nhân vào các ngành công nghiệp xanh. Tập trung giới thiệu những công nghệ sạch và các công ty sáng tạo tốt nhất của Anh cũng như các cơ hội đầu tư xanh và bền vững tại nước này, GIS nhằm thúc đẩy Kế hoạch 10 điểm của Thủ tướng Johnson về phục hồi tăng trưởng xanh, theo đó Chính phủ sẽ đầu tư 12 tỷ bảng và huy động 36 tỷ bảng từ khu vực tư nhân, nhằm tạo ra và hỗ trợ 250.000 việc làm xanh.
Phát biểu trước các nhà đầu tư “đại diện cho 24 tỷ USD” theo lời Thủ tướng Johnson, nhà lãnh đạo Anh khẳng định ông hoan nghênh “từng đồng USD" đến với Vương quốc Anh và nhấn mạnh đây là thời điểm để các nhà đầu tư rót vốn vào Anh, nơi có những lợi thế tự nhiên và lâu đời để trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn.
Theo khảo sát mới đây của hãng kiểm toán Ernst & Young (EY), năm 2021 Anh đã giành lại vị trí là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất châu Âu, phản ánh niềm tin vào sự phục hồi của Anh và minh chứng cho sức mạnh kinh tế của nước này.
Ông Johnson nhấn mạnh các quyền tự do mới của Anh sau khi rời EU sẽ cho phép nước này điều chỉnh nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ tài chính đến công nghệ và cam kết Chính phủ Anh sẽ “luôn đồng hành" cùng các nhà đầu tư.
Cũng tại hội nghị, Chính phủ Anh đã công bố 18 thỏa thuận đầu tư tư nhân trị giá 9,7 tỷ bảng, gồm 6 tỷ bảng đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Iberdrola (Tây Ban Nha); 1,5 tỷ bảng của Công ty đầu tư bất động sản Prologis (Mỹ) để phát triển hệ thống kho hàng trung hòa khí thải; và 1 tỷ bảng của Viridor thuộc Công ty KKR (Mỹ) đầu tư vào công nghệ khử cacbon cho ngành rác thải. Ông Johnson và người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates, cũng công bố hợp tác đầu tư chung trị giá 400 triệu bảng vào các công nghệ như hydro xanh, lưu trữ năng lượng dài hạn và nhiên liệu hàng không bền vững.
Việc thu hút các cam kết đầu tư lên tới 10 tỷ bảng được đánh giá là một thành công của GIS và là sự khẳng định quan trọng về chương trình nghị sự “Nước Anh toàn cầu” thời kỳ hậu Brexit mà ông Johnson theo đuổi.
Với hơn 100 cuộc gặp riêng giữa các nhà đầu tư và các quan chức chính phủ, GIS được kỳ vọng sẽ mang lại một làn sóng đầu tư mới tại Anh trong 12 tháng tới. Bộ trưởng Đầu tư Anh Gerry Grimstone cho biết thành công của hội nghị sẽ nằm ở những khoản đầu tư trong tương lai và gọi những vị khách tham dự GIS là "mục tiêu" để Chính phủ Anh tiếp tục kêu gọi đầu tư.
GIS đã nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư tham dự với nhận định sự kiện có thể đánh dấu một bước ngoặt mới. Giám đốc điều hành Công ty bảo hiểm Aviva (Anh), Amanda Blanc, đánh giá hội nghị là sự kiện “quan trọng”, đồng thời cho biết “Thu hút thêm đầu tư vào Anh là ưu tiên quốc gia và nước này đang bắt đầu từ một nền tảng vững chắc để biến mình thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa”.
Ông Integer Berge, đồng sáng lập Tập đoàn Wastefront (Na Uy), công ty đang phát triển một nhà máy tái chế lốp xe trị giá 100 triệu bảng ở Sunderland, cũng cho rằng tổ chức những sự kiện như GIS sẽ tạo ra nhiều thay đổi. Tuy nhiên, giáo sư Nigel Driffield tại Trường Kinh doanh Warwick nhận định không dễ đảo ngược xu hướng suy giảm đầu tư nước ngoài tại Anh và hiện chưa có dấu hiệu phục hồi bởi một giá trị của Anh chính là cầu nối đầu tư vào châu Âu. Giờ đây nước Anh hậu Brexit sẽ đối mặt với nhiều hạn chế hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, với GIS, Anh đã đạt được thành công nhất định trong việc xây dựng hình ảnh là ngọn hải đăng về công nghệ xanh và điểm đến đầu tư xanh hàng đầu thế giới. Những thành tựu xanh của Anh đang là tâm điểm chú ý của thế giới trước thềm Hội nghị COP26, nơi Thủ tướng Johnson được kỳ vọng sẽ thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc