Trung Quốc thu được nhiều lợi ích nhỏ dù không đạt thỏa thuận lớn ở Thái Bình Dương
Ngày 30/5, Trung Quốc đã không thể thông qua thỏa thuận mới với 10 quốc gia Thái Bình Dương về hợp tác an ninh, ngư nghiệp. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đạt được nhiều thắng lợi nhỏ hơn trong chuyến công du đến các quốc đảo quanh khu vực.
Theo hãng tin AP, thông tin này đã được phía Bắc Kinh xác nhận tại cuộc họp báo sau hội nghị giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng các quốc đảo Thái Bình Dương. Cuộc họp báo diễn ra ngày 30/5, có sự tham dự của ông Vương Nghị và Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama.
Đại sứ Trung Quốc tại Fiji Qian Bo cho biết, dù có “sự ủng hộ chung” đối với thỏa thuận trong cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao, song thỏa thuận này đã bị gạt sang một bên sau khi một số quốc gia Thái Bình Dương bày tỏ lo ngại về tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.
Trong khi đó, Thủ tướng Fiji Bainimarama đã ám chỉ đến bất đồng quan điểm giữa một số quốc gia tại cuộc họp. Ông nói: “Như mọi khi, chúng tôi đặt sự đồng thuận giữa các quốc gia trong khu vực lên hàng đầu trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về các thỏa thuận khu vực mới”.
Theo các tài liệu do AP thu thập được, Ngoại trưởng Vương Nghị đã hy vọng 10 quốc gia Thái Bình Dương sẽ tán thành một thỏa thuận do Trung Quốc đề xuất sẵn. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ông đã không nhận được sự đồng thuận.
Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) và Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama tại cuộc họp với ngoại trưởng các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: AP/TTXVN |
Trước đó, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo đã gửi thư tới 21 nhà lãnh đạo Thái Bình Dương cho biết đất nước của ông sẽ phản đối đề xuất của Trung Quốc. Ông Panuelo lo ngại thỏa thuận mới có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị và đe dọa sự ổn định của khu vực. Ông cảnh báo nó “có nguy cơ mang đến một kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh mới và tồi tệ hơn là một Chiến tranh Thế giới”.
Trong cuộc họp báo hôm 30/5, ông Vương Nghị đã liệt kê một số lĩnh vực có thể đạt được đồng thuận với các quốc gia trong khu vực. Ông nói: “Sau cuộc họp, Trung Quốc sẽ công bố tài liệu về lập trường của mình để định hình sự đồng thuận và hợp tác giữa Bắc Kinh và các quốc đảo Thái Bình Dương. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục có các cuộc thảo luận và tham vấn sâu hơn để tạo ra sự đồng thuận ”.
Theo giới chuyên gia, mặc dù Trung Quốc có thể đã không đạt được thỏa thuận về một hiệp định đa phương lớn, nhưng Ngoại trưởng Vương Nghị đã thành công trong việc ký kết các thỏa thuận song phương nhỏ hơn với các quốc gia Thái Bình Dương trong chuyến công du của mình. Hôm 27/5, ông đã đến Kiribati và hai quốc gia đã ký 10 thỏa thuận hợp tác, từ các mục tiêu kinh tế đến xây dựng một cây cầu mới. Chính phủ Kiribati hiện chưa trả lời về yêu cầu bình luận chi tiết về các thỏa thuận.
Tổng thống Fiji Ratu Wiliame Katonivere (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Tân Hoa xã/TTXVN |
Trong cuộc họp báo, ông Vương Nghị đã trả lời câu hỏi của một số phóng viên rằng tại sao Trung Quốc lại tích cực hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương như vậy. Ông giải thích Trung Quốc từ lâu đã đấu tranh cho các quốc gia đang phát triển khác ở Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh đã bắt đầu thực hiện điều đó từ những năm 1960 khi giúp các quốc gia châu Phi xây dựng hệ thống đường sắt. “Lời khuyên của tôi dành cho các quốc gia đó là đừng quá lo lắng và đừng quá bất an”, ông Vương Nghị nói nói.
Sau cuộc họp báo, Đại sứ Qian Bo cho biết nhiều quốc gia Thái Bình Dương đã lo ngại về một số vấn đề cụ thể trong thỏa thuận do Trung Quốc đề xuất. “Trung Quốc không bao giờ áp đặt bất cứ điều gì lên các quốc gia khác, chứ đừng nói đến những người bạn đang phát triển và các quốc đảo nhỏ Thái Bình Dương”, ông Qian nói và cho biết các điều khoản của thỏa thuận chỉ đơn giản là lời đề nghị từ Trung Quốc để hỗ trợ cho các quốc gia.
Theo một bản dự thảo về thỏa thuận đa phương do AP thu thập được, Trung Quốc muốn đào tạo các sĩ quan cảnh sát Thái Bình Dương, hợp tác về “an ninh truyền thống và phi truyền thống” và mở rộng hợp tác thực thi pháp luật với các quốc gia này.
Tổng thư ký Ban Thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương Henry Puna, bên phải, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Tân Hoa xã/TTXVN |
Trung Quốc cũng muốn cùng phát triển một kế hoạch trong lĩnh vực ngư nghiệp - bao gồm cả hoạt động đánh bắt cá ngừ ở Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác để điều hành các mạng Internet của khu vực, thành lập các Học viện văn hóa Khổng Tử. Trung Quốc cũng đề cập đến khả năng thiết lập một khu vực thương mại tự do với các quốc gia ở khu vực này.
Trước đó, trong bài phát biểu hôm 27/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc đang ra mối đe dọa lâu dài, thậm chí nghiêm trọng hơn so với Nga. Ông nói: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế - và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thực hiện tham vòng đó. Tầm nhìn của Bắc Kinh sẽ khiến chúng ta rời xa các giá trị phổ quát đã duy trì rất nhiều tiến bộ của thế giới trong 75 năm qua”.
Trung Quốc đáp trả cáo buộc trên và cho rằng Mỹ đã lan truyền thông tin sai lệch. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết mục đích của bài phát biểu này là “kiềm chế và ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc cũng như duy trì quyền bá chủ của Mỹ”.
Trung Quốc nói rằng hợp tác giữa Bắc Kinh và các quốc đảo đang ngày càng mở rộng theo hướng phát triển ở Thái Bình Dương và được các quốc gia đó hoan nghênh.
Tại Fiji, nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã phải ngừng hoạt động chỉ sau một đêm và GDP giảm hơn 15%. Khi thế giới mở cửa trở lại, Fiji đang cố gắng phục hồi và nhiều người dân đã rất vui mừng khi thấy Trung Quốc đầu tư vào khu vực.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc