Multimedia Đọc Báo in

Các lãnh đạo G7 cam kết hỗ trợ không giới hạn cho Ukraine

14:38, 27/06/2022

Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được cho là sẽ cam kết hỗ trợ ngoại giao, tài chính và quân sự không giới hạn cho Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại bang Bavaria (Bayern) của Đức.

Hãng tin Bloomberg ngày 26/6 cho biết, đây là nội dung bản dự thảo tuyên bố chung của G7 mà hãng này có được.

Theo nguồn tin trên, dự thảo tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi (G7) sẽ tiếp tục hỗ trợ ngoại giao, quân sự, nhân đạo và tài chính, đồng thời sát cánh cùng Ukraine chừng nào còn cần thiết". Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản cũng sẽ cân nhắc sử dụng nguồn thu từ thuế để hỗ trợ Ukraine.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa ra một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột sẽ chỉ kéo dài tình trạng bất ổn ở Ukraine, trong khi Đức và Pháp tỏ ra cởi mở hơn với ý tưởng về một lệnh ngừng bắn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern (Đức), ngày 26/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern (Đức) ngày 26/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, tại hội nghị trên, các nhà lãnh đạo G7 cũng dự định tìm kiếm một lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga nhằm ngăn chặn các nhà tài phiệt Nga mua kim loại quý này để tránh lệnh trừng phạt.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 26/6 cho rằng, lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga nếu được thực thi sẽ khiến Moskva mất đi nguồn doanh thu hàng năm lên đến 19 tỷ USD.

Trong phiên thảo luận về vấn đề ngoại giao và an ninh tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 26/6, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga liên quan vấn đề Ukraine.

Các biện pháp bao gồm cấm nhập khẩu vàng của Nga, cấm cung cấp một số dịch vụ đối với Nga như kế toán, đóng băng tài sản đối với 70 cá nhân và tổ chức của Nga, cấm xuất khẩu hàng hóa tới 90 tổ chức có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.