Khái niệm chiến lược mới của NATO: Nga là mối đe dọa chính, Trung Quốc lần đầu xuất hiện
Khái niệm chiến lược mới của NATO sẽ mô tả Nga là mối đe dọa chính đối với khối này, còn Trung Quốc sẽ xuất hiện lần đầu tiên trong bản tài liệu.
Thông tin trên do Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Julianne Smith đưa ra ngày 1/6.
Phát biểu tại một sự kiện, bà Smith nói rằng ngay cả trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đánh giá rằng ngôn ngữ mô tả về Nga từ năm 2010 đã rất lỗi thời và cần được thay đổi đáng kể.
Khái niệm chiến lược hiện tại của NATO được công bố vào năm 2010, bốn năm trước khi Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Theo tài liệu dài 35 trang này, hợp tác NATO - Nga có tầm quan trọng chiến lược vì góp phần tạo ra không gian hòa bình, ổn định và an ninh chung. NATO cũng tuyên bố rằng họ đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự với Nga và do đó nhằm mục đích tăng cường tham vấn chính trị và hợp tác thực tế với Nga.
Bà Smith nói: “Chúng tôi phần lớn đồng ý rằng Nga là thách thức lớn, mối đe dọa chính mà liên minh NATO đang phải đối mặt trong thời điểm này, và do đó, chúng tôi sẽ nhấn mạnh về Nga ngay từ đầu”.
Bà cũng tiết lộ rằng các thành viên NATO đồng ý rằng lần đầu tiên phải đưa Trung Quốc vào một phần của khái niệm chiến lược. Vào tháng 6/2021, lãnh đạo các quốc gia và chính phủ NATO đã đưa vào Thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh Brussels một đoạn viết: “Ảnh hưởng ngày càng tăng và các chính sách đối ngoại của Trung có thể đặt ra những thách thức mà chúng ta cần cùng nhau giải quyết với tư cách là một liên minh”.
Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN |
Khái niệm chiến lược mới dự kiến sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 29-30/6 tại Madrid. Bà Smith cho biết tài liệu này sẽ tồn tại trong 10 năm.
Bên cạnh khái niệm chiến lược, các nhà lãnh đạo NATO có thể sẽ đưa ra tuyên bố riêng về hoạt động của Nga ở Ukraine và những tác động đối với an ninh toàn cầu.
Trong những năm qua, Nga đã cảnh báo về quá trình mở rộng về phía đông của NATO, coi đây là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia. Khả năng Ukraine gia nhập liên minh NATO trong tương lai bị Nga coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc tấn công quân sự hiện nay.
Sau cuộc chiến ở Ukraine, ngày 18/5, hai nước Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nghênh nguyện vọng của hai nước trở thành thành viên của NATO. Ông cũng bày tỏ tin tưởng việc Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh quân sự sẽ giúp tăng cường an ninh chung của khu vực.
Các nhà ngoại giao cho biết tất cả 30 quốc hội của các nước trong liên minh có thể mất tới một năm để thông qua quyết định kết nạp hai quốc gia Bắc Âu trên.
Trước đây, Phần Lan và Thụy Điển duy trì quan điểm trung lập về quân sự. Động thái gia nhập NATO của hai nước này sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất đối với cấu trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ, phản ánh sự thay đổi quan trọng về lập trường tại khu vực Bắc Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2 vừa qua.
Nga đã đưa quân vào Ukraine sau khi Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk. Nga đã công nhận độc lập của các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là Donetsk và Lugansk.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Ukraine khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc