BRICS mở rộng nhằm tái cân bằng trật tự thế giới
Hiện có hơn 40 quốc gia quan tâm đến việc tham gia BRICS trong bối cảnh nhiều nước đang phát triển không hài lòng với sự thống trị của phương Tây.
Theo hãng tin Reuters ngày 21/8, việc mở rộng BRICS (gồm: 5 nước Nga, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ, Brazil) sẽ được xem xét tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần này nhằm kết nạp nhiều ứng cử viên tiềm năng – từ Iran đến Argentina – với một điểm chung: mong muốn tạo ra một "sân chơi toàn cầu" bình đẳng hơn.
Nhu cầu trên xuất phát từ một loạt vấn đề, ví dụ như lạm dụng thương mại, lệnh trừng phạt, không quan tâm đến nhu cầu phát triển của các quốc gia nghèo hơn, sự thống trị của phương Tây giàu có đối với các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Liên hiệp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoặc Ngân hàng Thế giới.
Trong bối cảnh sự bất mãn lan rộng đối với trật tự thế giới do phương Tây chi phối, các quốc gia BRICS đang muốn phát triển nhóm này trở thành tổ chức hàng đầu của "phía Nam toàn cầu" và đã có một số động lực.
Các quan chức từ Nam Phi, quốc gia tổ chức hội nghị thượng đỉnh từ ngày 22 đến 24/8, cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia BRICS. Trong số đó, gần 20 nước đã chính thức nộp đơn gia nhập.
Rob Davies, cựu bộ trưởng thương mại Nam Phi, người có vai trò quan trọng trong việc đưa nước này gia nhập BRICS vào năm 2010, cho biết: “Sự cần thiết khách quan đối với BRICS chưa bao giờ lớn hơn thế. Các tổ chức đa phương không phải là nơi mọi người có thể gia nhập và có sự công bằng, toàn diện".
Trong khi BRICS chưa tiết lộ danh sách đầy đủ các ứng cử viên tham gia mở rộng, một số chính phủ đã công khai bày tỏ sự quan tâm của họ. Iran và Venezuela, bị phương Tây trừng phạt, đang tìm cách giảm bớt sự cô lập và hy vọng khối có thể hỗ trợ các nền kinh tế đang bị tê liệt của họ.
Trung tâm Hội nghị Sandton, nơi sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS, tại Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: REUTERS |
Ramón Lobo, cựu Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Venezuela, nói với Reuters: “Các khuôn khổ hội nhập khác hiện có ở cấp độ toàn cầu đang bị lu mờ bởi tầm nhìn bá quyền do Mỹ thúc đẩy”.
Các nhà phân tích cho biết, các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất coi BRICS là phương tiện để thể hiện vai trò nổi bật hơn trong các tổ chức toàn cầu.
Những ứng cử viên châu Phi như Ethiopia và Nigeria được thu hút bởi cam kết của khối đối với các cải cách tại Liên hiệp quốc nhằm mang lại cho lục địa này một tiếng nói mạnh mẽ hơn. Những nước khác muốn thay đổi tại Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
"Argentina đã kiên quyết kêu gọi tái cơ cấu cấu trúc tài chính quốc tế", một quan chức chính phủ Argentina tham gia đàm phán gia nhập BRICS nói với Reuters.
Và khi khối này tìm cách trở thành một đối trọng với phương Tây, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cùng tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, việc gia tăng số lượng thành viên có thể giúp khối này tăng cường sức mạnh và thông điệp cải cách toàn cầu của khối có thêm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng BRICS cũng đang đối mặt với một số thách thức trong việc đáp ứng những kỳ vọng của các thành viên tương lai.
Mặc dù chiếm khoảng 40% dân số thế giới và chiếm 1/4 GDP toàn cầu, nhưng tham vọng trở thành một tổ chức kinh tế và chính trị toàn cầu của BRICS từ lâu đã bị cản trở bởi những khác biệt trong nội bộ và thiếu tầm nhìn nhất quán.
Các nền kinh tế từng bùng nổ của BRICS, đặc biệt là Trung Quốc, đang chậm lại. Thành viên sáng lập, Nga, đang phải đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Steven Gruzd thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Nam Phi cho biết: “Một số người có thể đã thổi phồng kỳ vọng quá mức về những gì mà tư cách thành viên BRICS sẽ thực sự mang lại trong thực tế”.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc