Multimedia Đọc Báo in

Đảo chính ở Niger có nguy cơ nhấn chìm khu vực trong khủng hoảng

10:57, 25/08/2023

Đảo chính ở Niger có nguy cơ đẩy khu vực Sahel cũng như Tây Phi lún sâu vào tình trạng bất ổn chính trị và an ninh.

Khu vực Sahel trải dài từ Đại Tây Dương ở phía Đông tới Sudan và Eritrea. Khu vực này chạy qua Senegal, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, Đông Bắc Nigeria và Chad. Sự phức tạp của Sahel đồng nghĩa rằng cuộc đảo chính ở Niger sẽ tác động nhất định đến an ninh của toàn bộ khu vực.

Nó cũng sẽ làm tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay, trong đó có mất an ninh lương thực, thảm họa môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, di chuyển chỗ ở và đói nghèo lan rộng. Dưới đây là một số tác động của đảo chính Niger tới các vấn đề khu vực.

Các dự án phát triển xuyên biên giới

Khu vực Sahel là nơi tập trung một số dự án phát triển xuyên quốc gia quan trọng với nhiều dự án trong số đó liên quan đến Niger. Tình trạng bất ổn đang gây ra mối đe dọa cho việc hoàn thành các dự án này.

Một ví dụ là dự án Đường ống Khí đốt Nigeria - Morocco trị giá 25 tỷ USD - một trong những dự án tham vọng nhất ở khu vực Tây Phi. Dự án này có mục tiêu kết nối các nhà sản xuất khí đốt ở Nigeria với các quốc gia ở Tây Phi, cuối cùng là đến Morocco và châu Âu.

Một ví dụ khác là dự án Con đường xuyên Sahara. Đây là tuyến thương mại chính thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở 6 nước châu Phi, trong đó có Niger.

Những người biểu tình ủng hộ phe đảo chính ở Niger tham gia cuộc biểu tình trước căn cứ quân sự của Pháp ở thủ đô Niamey. Ảnh: Reuters
Những người biểu tình ủng hộ phe đảo chính ở Niger tham gia cuộc biểu tình trước căn cứ quân sự của Pháp ở thủ đô Niamey. Ảnh: Reuters

Vai trò lãnh đạo của Nigeria trong chương trình can thiệp của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) vào Niger cũng đe dọa các sáng kiến chung và những thỏa thuận song phương. Chẳng hạn, Nigeria có một thỏa thuận xuất khẩu năng lượng sang các quốc gia khác trong đó có Niger. Đổi lại, các quốc gia này sẽ không ngăn nước để các nhà máy điện ở Nigeria hoạt động.

Niger là một đối tác quan trọng và là một quốc gia trung chuyển của nhiều dự án xuyên biên giới và các thỏa thuận liên quốc gia. Sự sụp đổ niềm tin giữa các quốc gia sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các dự án và thỏa thuận này. Cuộc khủng hoảng ở Niger cũng có thể trì hoãn và làm suy yếu những nỗ lực tăng cường thương mại và sự kết nối khu vực.

Rạn nứt khu vực và một ECOWAS chia rẽ

Sự thiếu tin tưởng ngày càng gia tăng giữa các nước châu Phi sẽ làm suy yếu ECOWAS, đồng thời làm dấy lên nguy cơ xảy ra các cuộc đảo chính trong tương lai. ECOWAS vẫn kiên quyết với lập trường buộc chính quyền quân sự ở Niger phải phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum, đồng thời đe dọa can thiệp quân sự.

Sự ủng hộ ngay tức thì dành cho giới lãnh đạo phe đảo chính Niger của Burkina Faso và Mali cũng khoét sâu những rạn nứt trong khối.

Với lập trường chung phản đối Pháp và phương Tây trong khi gia tăng ủng hộ quan hệ với Nga, các nước Mali, Burkina Faso và Niger đang tạo thành một bên chống phương Tây trong ECOWAS.

Những diễn biến mới có thể định hình lại động lực chính trị ở Tây Phi, tạo ra những rạn nứt trong khu vực đang hướng đến sự đoàn kết. Cảnh báo mạnh mẽ mà giới quân sự ở Mali và Burkina Faso đưa ra với ECOWAS về việc không can thiệp vào Niger là một dấu hiệu leo thang đáng chú ý. Theo đó, Burkina Faso và Mali tuyên bố, sự can thiệp quân sự nước ngoài vào Niger sẽ được coi như lời tuyên chiến chống lại chính họ.

Động thái này đã ám chỉ thái độ sẵn sàng đối đầu với ECOWAS, đồng thời có thể làm suy yếu các cơ chế ngoại giao của tổ chức khu vực này. Nếu ECOWAS quyết định hành động để chống lại những lợi ích của các nước trên, căng thẳng quân sự sẽ đe dọa nghiêm trọng sự đoàn kết khu vực.

Một ECOWAS chia rẽ và suy yếu sẽ không thể thực hiện các chương trình kinh tế khu vực giống như Liên minh Tiền tệ và Kinh tế Tây Phi. Đảo chính và đối đầu khu vực cũng cản trở sự hợp tác và đe dọa các sáng kiến chung trong tương lai.

Dịch chuyển liên minh

Ảnh hưởng của các nhân tố nước ngoài là một lý do cho sự gia tăng các lợi ích an ninh ở khu vực Sahel. Cuộc đảo chính ở Niger đang có nguy cơ dẫn đến sự dịch chuyển liên minh.

Một số quốc gia phương Tây như Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu đã cắt giảm hỗ trợ cho Niger, Mali và Burkina Faso để phản ứng trước cuộc đảo chính. Điều này đã để lại một khoảng trống trong cấu trúc an ninh khu vực.

Trong khoảng trống đó, chính phủ khu vực Sahel đã tìm các đối tác thay thế. Nga - thông qua Công ty quân sự tư nhân Wagner, xuất hiện như một nhân tố đó.

Với các nước phương Tây, Niger có tầm quan trọng lớn vì hai lý do. Đầu tiên, nước này được xem như tường thành chống lại lực lượng thánh chiến Hồi giáo và là một pháo đài dân chủ. Điều này giải thích cho sự hiện diện của quân đội và các căn cứ quân sự phương Tây ở nước này. Lý do thứ hai là Niger là nhà sản xuất urani lớn thứ bảy thế giới và là nhà cung cấp urani lớn thứ hai cho Pháp.

Niger được đánh giá là một quốc gia mà phương Tây không thể đánh mất, Vì thế, khu vực Sahel sẽ trở thành mảnh đất với sự đối đầu nhiều hơn giữa các siêu cường.

Hỗn loạn và nguy cơ đảo chính tiếp diễn

Niger có đường biên giới với 7 nước và là một nhân tố quan trọng trong các sáng kiến an ninh khu vực. Cuộc đảo chính ở nước này có thể gây tổn hại cho các nỗ lực hợp tác của Sahel nhằm chống lại các nhóm cực đoan và khủng bố.

Mỗi cuộc đảo chính đều tạo nên khoảng trống mới và gia tăng sự thiếu tin tưởng. Sự xuất hiện của các yếu tố mới với hầu như rất ít sự hợp tác sẽ tạo nên một bối cảnh an ninh cạnh tranh và hỗn loạn.

Mối nguy hiểm hiện nay là các lực lượng an ninh đang được phân bố mỏng hơn, khiến cho các nhóm cực đoan có cơ hội để mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng. Niger đã trải qua cuộc tấn công đầu tiên của lực lượng thánh chiến Hồi giáo hậu đảo chính - đây cũng là cuộc tấn công đầu tiên trong 1 năm rưỡi qua.

Chính quyền quân sự ở Mali, Burkina Faso và Niger không nhận được sự ủng hộ từ toàn bộ quân đội. Điều này tạo nên một môi trường cho các cuộc đảo chính và chống đảo chính tiếp theo có thể diễn ra.

Theo VOV
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.