Multimedia Đọc Báo in

Biến Romania thành cửa ngõ vào châu Âu của Việt Nam

10:29, 23/01/2024

Hai Thủ tướng Việt Nam và Romania nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư xứng tầm với quan hệ chính trị. Thủ tướng Romania khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu, một trong những thị trường tiềm năng nhất với Romania; đề nghị tận dụng cơ hội để biến Romania trở thành cửa ngõ của Việt Nam vào châu Âu.

Nhận lời mời của Thủ tướng Romania Ion Marcel Ciolacu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1. Sáng ngày 22/1 (giờ địa phương), sau Lễ đón trang trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp hẹp và hội đàm với Thủ tướng Romania Ion Marcel Ciolacu.

Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Romania - Ảnh: VGP
Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Romania. Ảnh: VGP

Tại Hội đàm, Thủ tướng Romania Ion Marcel Ciolacu nhiệt liệt chào đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025), góp phần đẩy mạnh sự tin cậy chính trị, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam - Romania trên tất cả các lĩnh vực và làm sâu sắc hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước; khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Romania tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Hai nhà lãnh đạo nhất trí trên nền tảng gần 75 năm quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống gắn bó, hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong mọi lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp hết sức thân tình, trọng thị và chu đáo của Thủ tướng Ion Marcel Ciolacu, Chính phủ và nhân dân Romania dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam, bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập mà Romania đã đạt được và tin tưởng Romania sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ quý báu của Romania trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước trong suốt 75 năm qua, nhất là việc đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 4.000 sinh viên, nghiên cứu sinh và họ đã đóng góp rất tốt cho đất nước Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Romania ở nhiều vị trí khác nhau.

Trong không khí chân tình, tin cậy và cởi mở, hai bên đã trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác hữu nghị truyền thống hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới. Về hợp tác chính trị - ngoại giao, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, làm nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực.

Hai Thủ tướng Việt Nam và Romania nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư xứng tầm với quan hệ chính trị. Ảnh: VGP
Hai Thủ tướng Việt Nam và Romania nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư xứng tầm với quan hệ chính trị. Ảnh: VGP

Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hai Thủ tướng khẳng định đây là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương; nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư xứng tầm với quan hệ chính trị, phát huy hơn nữa các cơ chế hợp tác sẵn có, khuyến khích doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cửa ngõ để các mặt hàng của Romania tiếp cận thị trường Việt Nam và ASEAN.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Romania là nước thành viên EU đã thúc đẩy mạnh mẽ để kịp ký Hiệp định EVFTA vào 30/6/2019 là ngày cuối cùng nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của mình và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trong EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Trên tinh thần này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Romania tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy các nước EU còn lại sớm phê chuẩn EVIPA và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.

Thủ tướng Ion Marcel Ciolacu đánh giá Việt Nam một trong những thị trường tiềm năng nhất của Romania tại châu Á - Thái Bình Dương, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Romania quan tâm mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam; hoan nghênh Diễn đàn Doanh nghiệp được tổ chức nhân chuyến thăm có nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau tham dự để trực tiếp trao đổi, kết nối đối tác, góp phần hiện thực hóa các cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết 19 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước - Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania ký kết Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác trao đổi những vấn đề quan tâm trong lĩnh vực kinh tế. Ảnh: VGP
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết 19 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước - Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania ký kết Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác trao đổi những vấn đề quan tâm trong lĩnh vực kinh tế. Ảnh: VGP

Thủ tướng Romania cho rằng hai bên cần tận dụng cơ hội thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, logistics, du lịch và biến Romania trở thành cửa ngõ của Việt Nam vào châu Âu trong bối cảnh Romania sắp gia nhập khu vực Schengen vào tháng 3/2024.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chân thành cảm ơn Romania là quốc gia thành viên EU đầu tiên đã hỗ trợ 300.000 liều vắc xin và cùng nhiều trang thiết bị y tế cho Việt Nam để đối phó với đại dịch COVID-19. Thủ tướng Ion Marcel Ciolacu cảm ơn Việt Nam nhân chuyên thăm này đã tặng cho Romania 10.000 liều vắc xin phòng tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất để Romania sử dụng đối phó với dịch bệnh và mong muốn tiếp tục phối hợp với Việt Nam để sản xuất vắc xin này tại Romania.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực truyền thống như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh – quốc phòng, văn hóa - thể thao - du lịch, lao động, y tế - dược phẩm đồng thời thúc đẩy mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…

Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Romania tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Romania hội nhập ngày càng sâu rộng vào xã hội sở tại, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Romania cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị, giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước.

Hai Thủ tướng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trao đổi về các vấn đề quốc tế, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp luật pháp quốc tế.

Nhân dịp này, hai bên đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị hiệu quả cho các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau trong thời gian tới.

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết 19 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, lao động và giáo dục đào tạo.

Theo chinhphu.vn
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.