Multimedia Đọc Báo in

Chìa khóa chuyển đổi của châu Á - Thái Bình Dương

16:44, 19/02/2024

Từ ngày 19 - 22/2, Hội nghị cấp bộ trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC) lần thứ 37 diễn ra tại Colombo, Sri Lanka, với chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề an ninh lương thực và chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.

Sự kiện đánh dấu cột mốc lớn về hợp tác đa phương trong nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại khu vực đông dân nhất thế giới, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và tình hình kinh tế biến động khó lường đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu nhà sản xuất, nông dân, ngư dân và người tiêu dùng.

Hội nghị APRC-37 được đánh giá sẽ thúc đẩy sự gắn kết trong khu vực thông qua các cuộc thảo luận về những thách thức và ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp và lương thực, như giải pháp đảm bảo lương thực và dinh dưỡng trong tương lai, bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng gây mất an ninh lương thực, đầu tư cho các chương trình giảm nghèo và hiện đại hóa nông nghiệp, kinh nghiệm tiết kiệm nước và thực phẩm nhằm tránh thất thoát và lãng phí.... 

Bộ trưởng Nông nghiệp Sri Lanka, ông Mahinda Amaraweera, nhận định hội nghị sẽ thiết lập một nền tảng quan trọng cho sự hợp tác khu vực, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, thủy sản và giúp bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái tại các nước trong khu vực.

Rau củ quả được bày bán tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka, ngày 1/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Rau củ quả được bày bán tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka, ngày 1/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN

APRC-37 đặt mục tiêu thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm trên toàn khu vực trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng kinh tế và khí hậu đang làm cản trở tiến trình đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là mục tiêu chấm dứt nạn đói nghèo và giảm bất bình đẳng. Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực có 3 trong số năm nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những nước này và các quốc gia khác trong khu vực giúp cung cấp lương thực cho phần lớn phần còn lại của thế giới, chú trọng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo và thực phầm giàu protein đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, nạn đói vẫn còn phổ biến ở một số nơi trong khu vực.

Báo cáo tổng quan của FAO về an ninh lương thực và dinh dưỡng châu Á - Thái Bình Dương công bố tháng 12/2023 cho thấy gần 371 triệu người ở khu vực này, hầu hết ở Nam Á, bị suy dinh dưỡng, chiếm 50% tổng số ghi nhận trên toàn cầu. Gần 24% dân số bị mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng, trong đó phụ nữ có xu hướng bị mất an ninh lương thực cao hơn nam giới.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 23,4%, tiếp tục đặt ra thách thức đối với sức khỏe cộng đồng trong khu vực. Trong những năm gần đây, chi phí trung bình cho một chế độ ăn đủ dinh dưỡng trong khu vực đã tăng lên 4,15 USD/người/ngày. Gần 45% dân số châu Á - Thái Bình Dương, tương đương 1,9 tỷ người, không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh.

Tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn khu vực xuất phát từ thực tế giá lương thực tăng, lũ lụt, hạn hán, khan hiếm nước và các thảm họa khác liên quan đến khí hậu, đại dịch COVID-19 toàn cầu và xung đột làm giảm năng suất cây trồng. Những thách thức này tác động trực tiếp đến những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm nông dân sản xuất nhỏ, những người khác sống phụ thuộc vào đất đai để kiếm sống và hàng triệu người nghèo thành thị.

Ông Jong-Jin Kim, Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Đại diện FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định những thách thức này cho thấy sự cần thiết phải tái định hình hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng hiệu quả, toàn diện, kiên cường và bền vững hơn. Ông nhấn mạnh: “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu là giải pháp cho vấn đề khí hậu và góp phần hiệu quả vào việc đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, khả năng tiếp cận thực phẩm và khả năng chi trả cho thực phẩm”.

FAO đang phối hợp với các nước châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm trở nên hiệu quả hơn, bao trùm hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn, coi đây là chìa khóa để bảo đảm an ninh lương thực.

Hoạt động phối hợp tập trung vào khuyến khích huy động vốn đầu tư để đạt được mục tiêu chấm dứt nạn đói; chống thất thoát, lãng phí lương thực và tiết kiệm nước; xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng khả năng phục hồi trong các lĩnh vực cây trồng, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp; thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên; các tiến bộ khoa học, đổi mới và số hóa cũng như phổ biến các thực hành nông nghiệp thông minh về khí hậu và năng lượng...

Những sáng kiến như "1.000 ngôi làng kỹ thuật số", "Một quốc gia - Một sản phẩm ưu tiên" nhằm phát triển chuỗi giá trị xanh và bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hệ thống nông sản đang phát huy tác dụng.

Tham gia hội nghị, Việt Nam cũng đưa ra những đề xuất về ưu tiên và hành động trên 5 lĩnh vực chính gồm hỗ trợ tài chính nhằm chấm dứt nạn đói; chống thất thoát và lãng phí thực phẩm; chuyển đổi nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; áp dụng hướng tiếp cận Một sức khỏe để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm; tăng cường khả năng chống chịu thông qua việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.

Thực hiện cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu thông qua duy trì xuất khẩu gạo cũng như các nông sản khác một cách ổn định, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và đang thúc đẩy triển khai Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030.

Tại Hội nghị lần thứ tư Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững - Mạng lưới Một hành tinh của Liên hợp quốc diễn ra ở Hà Nội tháng 4/2023, bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống thực phẩm và an toàn thực phẩm của FAO đánh giá cao kinh nghiệm và vai trò của Việt Nam trong nỗ lực chuyển đổi hướng tới bền vững hệ thống lương thực, thực phẩm.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững, bao trùm, có khả năng chống chịu và hiệu quả nhằm giải quyết những thách thức cấp bách trong khu vực và góp phần đạt được các SDG là nhu cầu thiết yếu, đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, trong đó ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Điều đó sẽ góp phần bảo đảm quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm được công bằng và bền vững.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc