Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thảo luận về bế tắc chính trị tại Libya
Đặc phái viên Liên hiệp quốc Abdoulaye Bathily nhấn mạnh các nhà lãnh đạo Libya cần gạt lợi ích cá nhân sang một bên, thể hiện trách nhiệm quốc gia và đàm phán để đạt thỏa thuận thành lập Chính phủ đoàn kết.
Ngày 15/2, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã tổ chức cuộc thảo luận nhằm tìm lối thoát cho tình trạng bế tắc chính trị và bất ổn kéo dài tại Libya.
Phát biểu tại cuộc họp, Đặc phái viên hàng đầu của Liên hiệp quốc về Libya ông Abdoulaye Bathily, cảnh báo tình trạng bế tắc chính trị hiện nay đe dọa đáng kể tương lai của quốc gia Bắc Phi này, đồng thời nêu bật sự cần thiết của việc các đối thủ chính trị chủ chốt đạt được sự đồng thuận về các cuộc bầu cử đáng tin cậy.
Theo ông Abdoulaye Bathily, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo Libya cần gạt lợi ích cá nhân sang một bên, thể hiện trách nhiệm quốc gia và đàm phán một cách chân thành, thiện chí để đạt được thỏa thuận thành lập Chính phủ đoàn kết.
Toàn cảnh một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về tình hình Libya tại New York, Mỹ, ngày 30/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Ông Bathily cảnh báo việc các phe phái miễn cưỡng thỏa hiệp sẽ không chỉ gây phương hại cho tiến trình bầu cử, mà còn gây nguy hiểm cho sự thống nhất và tương lai của Libya.
Đặc phái viên của Liên hiệp quốc nhấn mạnh "vai trò quan trọng" của Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế trong việc thuyết phục lãnh đạo các phe phái Libya tham gia đối thoại trên tinh thần xây dựng.
Libya bị cuốn vào vòng xoáy bất ổn kể từ khi quốc gia Bắc Phi này hoãn các cuộc bầu cử toàn quốc, ban đầu dự kiến vào tháng 12/2021.
Chính trường Libya trở nên phức tạp hơn vì sự tồn tại song song của hai Chính phủ đối địch: Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNU) được quốc tế công nhận ở thủ đô Tripoli và Chính phủ Ổn định Quốc gia (GNS) ở miền Đông nước này.
Tháng 11/2023, Liên hiệp quốc đã mời lãnh đạo 5 lực lượng lớn ở Libya tới dự một hội nghị nhằm tìm lối thoát cho thế bế tắc hiện nay, song không có kết quả.
Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc