Israel thảo luận với các nhà trung gian hòa giải về đề xuất đàm phán mới
Ngày 28/10, Israel thông báo nước này đã thảo luận với các nhà trung gian quốc tế đề xuất đàm phán mới với Hamas về thỏa thuận trả tự do cho các con tin Israel trong bối cảnh lực lượng của Israel tiếp tục các cuộc tấn công tại Gaza và Liban.
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, người đứng đầu cơ quan tình báo của nước này David Barnea đã gặp các quan chức của Mỹ và Qatar tại Doha và nhất trí cần thảo luận với Hamas về thỏa thuận trả tự do cho các con tin mà phong trào Hồi giáo này bắt giữ trong cuộc đột kích ngày 7/10/2023.
Người dân sơ tán tránh xung đột khỏi Jabalia, miền Bắc Dải Gaza ngày 19/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Thông báo trên được công bố 2 ngày sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn 2 ngày và trao đổi con tin có giới hạn số lượng mà ông cho rằng có thể làm cơ sở dẫn tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.
Văn phòng Thủ tướng Netanyahu cho biết thêm, tại cuộc gặp ở Doha, các bên cũng đã thảo luận về một khuôn khổ thống nhất mới kết hợp các đề xuất trước đó và cũng tính đến các vấn đề chính và diễn biến gần đây trong khu vực. Trong những ngày tới, các bên hòa giải và phong trào Hamas sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận để đánh giá tính khả thi của các cuộc đàm phán và tiếp tục nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận.
Trong khi đó, phát biểu trước các nghị sĩ trong phiên khai mạc kỳ họp mùa Đông của Quốc hội Israel ngày 28/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 28/10 tuyên bố ông muốn tìm kiếm hòa bình với các quốc gia Arab giữa lúc Washington đang tìm cách tập hợp các quốc gia Arập xung quanh kế hoạch dài hạn về quản lý Gaza thời hậu chiến và các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ tiếp theo với Israel sau Hiệp định Abraham năm 2020.
Nhà lãnh đạo Israel bày tỏ: “Tôi mong muốn tiếp tục tiến trình mà tôi đã thực hiện cách đây vài năm với việc ký kết các Hiệp định Abraham lịch sử, để đạt được hòa bình với các nước Arập khác”.
Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian đã giúp các nước vùng Vịnh như Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), cũng như Maroc bình thường hóa quan hệ với Israel.
Hiệp định Abraham được đạt được dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang tìm cách quay trở lại Nhà Trắng. Mỹ từ lâu đã tìm cách làm trung gian cho thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Israel. Tuy nhiên, Riyadh đặt điều kiện cho thỏa thuận này là phải công nhận Nhà nước Palestine độc lập - triển vọng bị Tel Aviv bác bỏ.
Saudi Arabia đã không tham gia các thỏa thuận năm 2020 và chưa bao giờ công nhận Israel. Tuy nhiên, một thỏa thuận dường như đã gần đạt được vào năm ngoái, trước khi xảy ra vụ đột kích bất ngờ ngày 7/10/2023 của phong trào Hamas vào Israel, dẫn đến cuộc xung đột đẫm máu nhất từ trước đến nay ở Gaza.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc