Chiến lược Trung Đông của Iran đứng trước thách thức lịch sử
Sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, các cuộc tấn công của Israel vào Hamas và Hezbollah, cùng áp lực gia tăng từ phương Tây buộc Tehran phải cân nhắc lại toàn bộ chiến lược của mình.
Trong bối cảnh địa chính trị Trung Đông đang chứng kiến những biến động sâu sắc, Iran đang phải đối mặt với một loạt thách thức chiến lược, đặc biệt là sau những diễn biến chính trị tại Syria. Sau nhiều thập kỷ đầu tư và xây dựng mạng lưới ảnh hưởng, Tehran đang chứng kiến sự sụp đổ từng mảng của hệ thống đồng minh chiến lược mà nước này đã dày công xây dựng.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian trong cuộc họp báo tại Tehran, ngày 16/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong hơn hai thập kỷ, Iran đã chi hàng tỷ USD để xây dựng một mạng lưới phức tạp trong đó có các lực lượng dân quân thân Tehran, nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị và quân sự tại khu vực Trung Đông. Mục tiêu của Tehran là tạo nên một vành đai an ninh, ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài vào lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần gần đây, những trụ cột then chốt của liên minh này đã sụp đổ một cách nhanh chóng và đáng báo động.
Sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria được coi là thảm họa chiến lược mới nhất, buộc Iran phải xem xét lại toàn bộ chiến lược an ninh quốc gia. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh Iran chuẩn bị đối mặt với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump quay lại nắm quyền và tuyên bố gây sức ép lên Tehran. Cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng 10 năm ngoái được coi là điểm khởi đầu cho loạt biến động này.
Trong hơn một năm qua, Israel đã tiến hành các hoạt động quân sự quyết liệt, nhằm triệt tiêu các lực lượng đồng minh của Iran. Các chỉ huy cấp cao của Hamas và Hezbollah lần lượt bị loại bỏ, đồng thời phá hủy hoàn toàn "tuyến phòng thủ tiền phương" cuối cùng của Iran tại Syria. Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận xét rằng Iran đã sai lầm khi cho rằng cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 năm ngoái sẽ là bước ngoặt theo hướng có lợi cho mình.
Syria từng là đồng minh duy nhất và là cầu nối quan trọng của Iran tại Trung Đông. Nước này không chỉ cung cấp cho Iran quyền tiếp cận trực tiếp với Hezbollah, mà còn là trung tâm của "trục kháng chiến" mà Tehran dày công xây dựng. Việc mất Syria sẽ gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, tài chính và hậu cần cho Iran.
Các số liệu cụ thể cho thấy mức độ tổn thất: Syria đã nhập khẩu gần 40 triệu thùng dầu từ Iran trong năm 2023, với tổng nợ ước tính lên tới hàng chục tỷ USD. Hezbollah - lực lượng then chốt của Iran - mất đi đường tiếp vận quan trọng, đồng thời bị triệt tiêu khả tiếp cận tài chính và hoạt động quân sự tại khu vực.
Tờ Wall Street Journal cho rằng, những thất bại liên tiếp có thể buộc Iran phải cân nhắc việc đẩy nhanh chương trình hạt nhân để phục hồi năng lực răn đe. Báo cáo tình báo Mỹ gần đây chỉ ra những rủi ro ngày càng tăng của việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cảnh báo Iran đã bắt đầu mở rộng đáng kể hoạt động sản xuất uranium làm giàu cao, với nguy cơ chuyển hướng sang sản xuất vũ khí.
Mặc dù gặp nhiều thử thách, Iran vẫn được đánh giá là một cường quốc quân sự ở Trung Đông, với hơn 100.000 chiến binh dân quân thân Tehran trải khắp khu vực. Các chuyên gia nhận định Tehran trong thời gian tới sẽ tập trung vào Iraq để duy trì ảnh hưởng nhưng tránh xung đột trực tiếp. Foad Izadi, Giáo sư Đại học Tehran, cho rằng Iran vẫn là quốc gia Hồi giáo duy nhất công khai đối đầu với Israel và ủng hộ người Palestine.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc