Động thái của Panama sau khi Mỹ ra "tối hậu thư" liên quan kênh đào
Panama sẽ không gia hạn tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tuyên bố trên do Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đưa ra vào ngày 2/2. Ông nói: “Tuyên bố hợp tác về Sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2017 sẽ không được chính phủ của tôi gia hạn”. Ông Mulino cũng cho biết chính phủ Panama sẽ xem xét khả năng chấm dứt thỏa thuận này sớm khi còn vài năm nữa mới hết hạn.
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau cuộc gặp giữa ông Mulino và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Trong cuộc gặp, ông Rubio đã yêu cầu thay đổi ngay lập tức cách quản lý Kênh đào Panama, một tuyến đường thủy quan trọng mà Mỹ xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và chuyển giao cho Panama vào năm 1999. Mỹ cho rằng kênh đào đang chịu ảnh hưởng quá lớn từ Trung Quốc.
Con tàu di chuyển qua Kênh đào Panama ở Panama City, Panama. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong cuộc thảo luận, ông Rubio đã cảnh báo Tổng thống Mulino rằng cho phép Trung Quốc tham gia vào kênh đào đang vi phạm hiệp ước năm 1977 với Mỹ, trong đó đảm bảo tính trung lập vĩnh viễn của tuyến đường thủy này. Ông Rubio nói rằng nếu Panama không giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, mà Mỹ coi là mối đe dọa đối với kênh đào, thì Panama có thể sẽ bị Mỹ trả đũa.
Cảnh báo của ông Rubio được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nói rằng Mỹ có thể sẽ lấy lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama nếu sự hiện diện của Trung Quốc quanh tuyến đường thủy này không được giảm bớt và Panama không hạ mức phí vô lý mà Mỹ phải trả khi sử dụng.
Ông Trump đã nhắc lại cảnh báo của mình vào sáng 2/2, nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đang điều hành Kênh đào Panama và Mỹ sẽ lấy lại kênh đào hoặc sẽ có một điều gì đó rất mạnh mẽ xảy ra.
Ông Mulino nói rằng ông không cảm thấy có mối đe dọa ngay lập tức về động thái trả đũa của Mỹ sau các cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Rubio, mà ông mô tả là tôn trọng và tích cực. Ông cũng loại trừ khả năng đàm phán với Mỹ về quyền sở hữu kênh đào.
Ông Mulino phát biểu: “Chắc chắn rằng Kênh đào Panana do đất nước chúng tôi điều hành và sẽ tiếp tục như vậy... Tổng thống Trump có quan điểm của ông về sự hiện diện của Trung Quốc, điều này sẽ được các cơ quan kỹ thuật của kênh đào làm rõ vào thời điểm thích hợp”.
Về phần mình, các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc rằng nước này muốn xâm phạm chủ quyền của Panama đối với kênh đào. Vào tháng 12/2024, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết Bắc Kinh sẽ luôn công nhận Kênh đào Panama là một tuyến đường thủy quốc tế trung lập vĩnh viễn.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một chương trình phát triển toàn cầu được Bắc Kinh khởi xướng vào năm 2013, nhằm kết nối các quốc gia trên khắp thế giới thông qua các tuyến đường bộ và đường biển, cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và vật lý. Panama là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh ký kết tham gia sáng kiến này.
Theo sáng kiến này, công ty CK Hutchison Holdings năm 2021 đã giành được hợp đồng 25 năm để kiểm soát hai cảng ở cửa ngõ của kênh đào Panama và một liên doanh các công ty Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng cây cầu trị giá 1,3 tỷ USD qua tuyến đường thủy này.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc