Cần chiến lược dài hơi cho đấu trường quốc tế
Tại Thế vận hội Tokyo 2020, Đoàn thể thao Việt Nam phải lên đường về nước sớm bởi tất cả các vận động viên đều không tiến sâu được vào vòng trong. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2004, đoàn thể thao Việt Nam kết thúc một kỳ Olympic buồn với vị trí cuối bảng do không đoạt được một huy chương nào.
Nếu cách đây 5 năm, tại Olympic Rio 2016., chúng ta đã tự hào với tấm Huy chương Vàng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và xếp thứ 48/78 đoàn tham dự, bỏ xa Malaysia (xếp thứ 60), Philippines (xếp thứ 69)… thì sự thất bại toàn diện của các vận động viên tại Olympic Tokyo 2020 cho thấy sự tụt dốc của thể thao Việt Nam ở đấu trường quốc tế.
Tay đấm từng đoạt Huy chương Vàng SEA Games của Đắk Lắk Trương Đình Hoàng phải khổ công luyện tập cả 10 năm mới thành công. |
Lý giải cho thất bại này, có rất nhiều ý kiến như: ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến công tác chuẩn bị không thật sự tốt, trình độ của các vận động viên chưa đạt đến đẳng cấp thế giới, tâm lý thi đấu của vận động viên kém… Nhưng có một nguyên nhân mà chúng ta chưa thẳng thắn nhìn nhận là khâu lựa chọn các môn thể thao phù hợp với thể trạng của người Việt Nam, để từ đó có chiến lược đầu tư dài hơi, phù hợp. Có thể thấy, từ trước đến nay, dường như ngành thể thao chỉ quan tâm, tập trung đầu tư cho một cá nhân nổi trội ở một bộ môn nào đó, mà ở đấu trường trong nước, thậm chí là khu vực Đông Nam Á họ luôn là người “bất khả chiến bại”.
Đơn cử như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, đã “độc diễn” tại đường đua xanh trong nước và Đông Nam Á kể từ SEA Games 2013 đến nay. Kình ngư 25 tuổi này cũng đã được đầu tư, đào tạo bài bản ở Mỹ để chuẩn bị cho Olympic 2020. Tuy nhiên, theo dõi màn trình diễn của vận động viên này trên đường đua xanh, khi chứng kiến một Ánh Viên “lọt thỏm” giữa các vận động viên đến từ các quốc gia, nhất là châu Âu có thể hình, thể lực vượt trội, nhiều người không khỏi lo lắng. Và thực tế, khi Ánh Viên về cuối cùng với khoảng cách cả một vòng bể bơi, cho thấy sự thua kém, bất lợi rõ ràng.
Hay như vận động viên được mệnh danh “nữ hoàng tốc độ” của Việt Nam Quách Thị Lan cũng được đầu tư khá bài bản, song tại sân chơi quá lớn này, dù đã dành vé vớt vào vòng bán kết cô cũng vẫn sớm dừng bước.
Có thể thấy, ở những bộ môn tranh tài đòi hỏi các yếu tố về thể hình, tốc độ, các vận động viên Việt Nam khó có thể thành công ở đấu trường quốc tế. Tất nhiên điều này cũng có nguyên nhân sâu xa là trong bối cảnh kinh phí eo hẹp, chúng ta không có sự lựa chọn, đầu tư dàn trải cùng lúc cho nhiều môn thể thao mà buộc phải đầu tư vào môn “mũi nhọn”, dồn cho bộ môn có vận động viên xuất sắc.
Một nguyên nhân khác là thể thao Việt Nam chưa chú trọng đến công tác đào tạo tuyến trẻ, chuẩn bị lực lượng hậu bị, kế cận. Đơn cử, từ hơn chục năm nay, ở môn bắn súng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vẫn phải gánh trọng trách “săn” huy chương cho thể thao nước nhà. Trong khi đó, năm nay anh đã 47 tuổi, thị lực giảm sút, kéo theo các động tác bắn khó chuẩn xác.
Vận động viên thể thao thành tích cao Đắk Lắk (môn bắn cung) tập luyện. |
Còn ở môn cầu lông, sau cái tên Nguyễn Tiến Minh, chưa có một vận động viên nào đủ sức đảm đương, thay thế tay vợt đã 37 tuổi này ở đấu trường khu vực, rộng hơn nữa là quốc tế, khi anh đã phải tham dự đến 4 kỳ Olympic. Thất bại của tay vợt đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ này tại Olympic Tokyo chắc hẳn phải khiến những người làm công tác quản lý thể thao ở tầm vĩ mô phải trăn trở, suy nghĩ.
Thất bại không làm chúng ta nản chí. Mọi người luôn trân trọng, ghi nhận sự nỗ lực của các vận động viên, nhưng cũng nhìn nhận rõ những hạn chế để có hướng khắc phục. Qua kỳ Olympic này, tin rằng những người có trách nhiệm sẽ hoạch định, xây dựng một chiến lược đúng đắn, dài hơi nhằm xác định môn thể thao phù hợp, từ đó tập trung tuyển chọn vận động viên và đầu tư đào tạo bài bản để có đủ khả năng cạnh tranh, thi thố ở đấu trường quốc tế. Bởi không như “ao làng” SEA Games, sân chơi Olympic luôn là nơi hội tụ các gương mặt xuất sắc, các nhà vô địch thế giới, châu lục vốn có đẳng cấp rất cao.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc