Nghĩ về giấc mơ World Cup!
Trong chúng ta, có lẽ ai cũng từng một lần mơ ước ngày nào đó được đứng trong một sân vận động, hát quốc ca, cổ vũ cho Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam dự World Cup. Đấy là giấc mơ của bất cứ người hâm mộ nào.
Nếu nói về độ đam mê bóng đá, Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia có chỉ số cuồng nhiệt rất cao. Mọi người hãy nhớ lại những năm tháng “ăn ngủ” cùng SEA Games, AFF Cup (Tiger Cup trước đây).
Chúng ta còn nghèo nhưng sự quan tâm của Nhà nước, xã hội đối với hoạt động bóng đá là rất lớn. Chúng ta đủ thời gian cùng một số điều kiện để phát triển nền bóng đá vươn lên mạnh mẽ, giấc mơ dự World Cup không phải là hư ảo. Vậy mà, câu chuyện chấn hưng nền bóng đá, xem ra mới chỉ bắt đầu, chính xác hơn là 4 năm trở lại đây.
Những chỉ dấu: lần đầu tiên Việt Nam đã vô địch SEA Games năm 2019. Sau 10 năm lần thứ 2 lên ngôi AFF Cup (năm 2018). Hàng loạt đội tuyển trẻ đã có thành tích rất tốt ở đấu trường khu vực lẫn châu lục. Ấn tượng nhất là năm 2017 U20 Việt Nam đã giành vé dự Vòng chung kết FIFA U20 World Cup; năm 2018 U23 giành ngôi á quân Vòng chung kết U23 châu Á tại Thường Châu. Đội tuyển bóng đá Futsal quốc gia đã hai lần lập chiến tích tham dự Vòng chung kết FIFA Futsal World Cup (2016 và 2021). Đội tuyển Việt Nam hiện vào Vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Chúng ta đã có quyền mơ trong đời mình được chứng kiến Đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup. Ảnh: Hoàng Linh |
Trong vòng 4 năm, bóng đá Việt Nam liên tiếp gặt hái được trái ngọt nhờ hội tụ những yếu tố cơ bản sau:
Đầu tiên là nhận thức. Từ lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến các câu lạc bộ đã được “đánh động” về cái gọi là phải làm lại bóng đá một cách tử tế, chuyên nghiệp, văn minh. Từ nhận thức đó, một loạt ông bầu cùng địa phương đã xắn tay vào công tác đào tạo trẻ, điều luôn bị lãng quên, hoặc bị xem nhẹ. Thật thú vị khi “phát súng lệnh” lại khởi phát từ Tây Nguyên, với bầu Đức và Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Các cầu thủ được đào tạo với thành công của đội tuyển U18 Việt Nam mà nòng cốt là quân của bầu Đức, đã truyền cảm hứng, thức tỉnh đến hoạt động bóng đá cả nước. Viettel, Vingroup của bầu Vượng, Tập đoàn T&T của bầu Hiển… cùng hàng loạt địa phương đã mở học viện, trung tâm đào tạo bóng đá với giáo trình quốc tế. Chỉ thời gian ngắn đã tạo nên một thế hệ cầu thủ hết sức văn minh, lịch lãm, trọng nghề, trình độ đá bóng hiện đại và đặc biệt, ý thức công dân rất cao.
Ngày 16-9, Đội tuyển Việt Nam cũng đã tập trung chuẩn bị cho 8 trận còn lại của Vòng loại thứ ba, World Cup 2022. Việc lọt vào đến vòng này cũng là điều “kỳ diệu” của thầy trò ông Park Hang-seo. Dù thế, có thể thấy trình độ giữa Việt Nam và các đối thủ chênh lệnh quá xa. Đồng nghĩa, chúng ta phải tư duy lại “giấc mơ World Cup” để sát thực tế hơn.
Không có cách nào khác, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần tiếp tục giữ nhịp độ trong nhận thức và hành động như hiện nay, để dẫn dắt “con tàu” bóng đá phát triển đúng hướng. Riêng giải chuyên nghiệp, vốn là bệ phóng cho các đội tuyển quốc gia cần phải được chấn chỉnh hơn nữa. Sự đoàn kết, thống nhất giữa các câu lạc bộ với cơ quan quản lý, điều hành phải được nâng cao, chứ như thời gian qua đã có dấu hiệu “trục trặc”, liên quan đến giải tán mùa bóng 2021.
Muốn nhanh cũng phải từ từ, xin hãy giữ gìn những nền móng bóng đá đã đạt được trong 4 năm qua!
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc