Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo hậu “thế hệ vàng”

16:26, 27/10/2021

Trong bóng đá, khái niệm “thế hệ vàng” nhằm chỉ một lứa cầu thủ tài năng rực rỡ, đồng đều cấp đội tuyển lẫn cấp câu lạc bộ. Ở một nền bóng đá đẳng cấp, tần số xuất hiện “thế hệ vàng” không quá xa.

1. Bóng đá du nhập vào Việt Nam khá sớm và phát triển khá nhanh. Trong quá khứ, khi hai miền Nam – Bắc còn chia cắt, bóng đá Việt Nam đã sản sinh ra hàng loạt cầu thủ nổi tiếng cả châu lục.

Trong 30 năm trở lại đây, chúng ta có thể định hình 3 “thế hệ vàng”. Thập niên 1990 là thế hệ Huỳnh Đức, Đỗ Khải, Hoàng Bửu, Minh Chiến, Công Minh, Hồng Sơn, thủ môn Nguyễn Văn Cường, Hữu Thắng, Văn Sỹ Hùng, Vũ Minh Hiếu, Trương Việt Hoàng…

Hậu duệ thế hệ này là Công Vinh, Tài Em, Minh Phương, Quốc Vượng, Văn Quyến, thủ môn Thế Anh, Việt Thắng, Tấn Tài, Phạm Thành Lương, Văn Quyết, Dương Hồng Sơn.

“Thế hệ vàng” thứ ba của bóng đá Việt Nam hiện nay gồm: Quế Ngọc Hải, Đoàn Văn Hậu, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Đức Huy, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Quang Hải (Hà Nội), Phan Văn Đức, Hoàng Đức, Đỗ Duy Mạnh, Văn Toàn, Tuấn Anh.

Xét toàn diện, “thế hệ vàng” thứ ba đã đạt nhiều thành tích nổi bật hơn các tiền bối, trong đó đáng kể là vô địch SEA Games, AFF Cup, á quân U23 châu Á năm 2018.

U23 Việt Nam mới có hai trận giao hữu có kết quả khá khả quan: hòa Tajikistan 1-1, thắng Kyrgyzstan 3-0. Liệu thầy Park có nhào nặn nên một “thế hệ vàng” mới (tạm gọi là thứ tư) khi người hâm mộ chưa thấy bóng dáng của nhiều ngôi sao?

Đội tuyển U23 Việt Nam hiện nay không có nhiều cầu thủ nổi bật trong khi cái bóng đàn anh lại quá lớn. Ảnh: Hoàng Linh

2. Đấy là nỗi lo chính đáng, bởi tài năng bóng đá như “lúa trời”, cầu thủ bóng đá phải có năng khiếu, đấy là thiên phú, nên không phải lúc nào cũng xuất hiện. Nhiều khi phải mất chục năm, thậm chí hơn, mới lộ thiên một vài nhân vật kiệt xuất. Còn một lứa cầu thủ giỏi thì càng hiếm. Ngay cả “lò” đào tạo Hoàng Anh Gia lai, sau “lứa vàng” thứ nhất Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, vẫn chưa có dấu hiệu sẽ đào tạo nên một thế hệ trứ danh thứ hai. Hàng loạt câu lạc bộ khác đang rơi vào khủng hoảng đào tạo trẻ.

Ngược lại, câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An dù ở tỉnh nghèo, nhưng họ lại đều đặn cho ra đời những tài hoa cho bóng đá Việt Nam. Số lượng cầu thủ đóng góp cho các đội tuyển quốc gia vẫn ổn định.

Đến đây, chúng ta sẽ thấy một điều: làm bóng đá khó áp đặt ý chí, khẩu hiệu. Mà phải xây dựng được bản sắc, truyền thống bóng đá, sau đó mới là ý thức cầu thủ. Rất nhiều nước nhỏ, nghèo trên thế giới nhưng bóng đá phát triển được nhờ truyền thống, bản sắc bóng đá của họ quá dày. Đấy là hai yếu tố hết sức quan trọng để phát triển bóng đá một cách bền vững.

Trong 21 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta đã mất đi rất nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Hàng loạt câu lạc bộ biểu tượng đã bị giải tán, rồi đổi tên đến nay đã không còn hồn cốt nữa. Bệnh thành tích, gian lận tuổi tác, tiêu cực, đào tạo trẻ lẫn đạo đức, văn hóa cầu thủ bị xem nhẹ đã làm hư hỏng nhiều cầu thủ trẻ.

Sau khi bầu Đức tạo ra lứa “cầu thủ vàng” của phố núi, nhiều câu lạc bộ trong nước học theo về công tác “trồng người”. Và chúng ta đã có được lứa “cầu thủ vàng” thứ ba với thành tích và tư cách đá bóng tốt như thế nào thì mọi người đã thấy.

Thế nhưng, giờ đây, khi đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề do dịch bệnh COVID-19 gây ra, bóng đá Việt Nam lại đối diện rất nhiều khó khăn, trong đó có nỗi lo không duy trì được nhịp độ đào tạo trẻ. Bởi, các câu lạc bộ sống phụ thuộc vào tài chính doanh nghiệp, họ chưa lo nổi mình, nói chi đầu tư mạnh cho bóng đá.

Vì thế, người hâm mộ nên đánh giá đúng tình hình để tránh gây sức ép lên cầu thủ, đặc biệt là phải tìm cách giữ chân HLV Park Hang-seo. Và cũng đừng quên cổ vũ cho thế hệ U23 hiện nay, dù họ chưa cho thấy phẩm chất “vàng”!

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.