Multimedia Đọc Báo in

Chuyện thưởng ở SEA Games

16:29, 07/05/2022

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 đông nhất từ trước đến nay, dự đoán huy chương gặt hái rất nhiều. Vì vậy, chuyện thưởng làm sao công bằng và nhân văn không đơn giản chút nào…

Từ ngân sách nhà nước

Kỳ SEA Games lần này, Đoàn thể thao Việt Nam có  951 vận động viên, mục tiêu là giành trên 140 Huy chương Vàng (HCV), 78 Huy chương Bạc (HCB) và 72 Huy chương Đồng (HCĐ).

Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về một số chế độ với huấn luyện viên, vận động viên thể thao tham gia tập huấn, thi đấu được ban hành năm 2018, vận động viên giành huy chương tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) sẽ được thưởng lần lượt (theo màu huy chương) là 45 triệu đồng, 25 triệu đồng và 20 triệu đồng. Với môn tập thể, nếu giành HCV, HCB, HCĐ thì mỗi vận động viên của tập thể đó được nhận mức lần lượt như trên. Ví dụ đội U23 Việt Nam giành HCV SEA Games 31 thì 20 cầu thủ sẽ được nhận mỗi người 45 triệu đồng. Nhưng ở môn tiếp sức, tiền thưởng sẽ chia đều cho các thành viên. Chẳng hạn, Việt Nam giành HCV tiếp sức môn điền kinh nội dung 4x100 m nữ thì 45 triệu đồng được chia cho 4 vận động viên. Rõ ràng, đã có sự thiệt thòi bởi để giành vàng những nội dung này rất khó, lại cần nhiều vận động viên tham gia.

Tổng số tiền thưởng cho chức vô địch SEA Games 2019 của U23 Việt Nam là hơn 12 tỷ đồng.

Ngoài tiền thưởng được lấy từ dự toán ngân sách thể dục thể thao hằng năm theo chế độ hiện hành của Nhà nước về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, các vận động viên còn được thưởng “nóng”. Quỹ thưởng “nóng” đang được xây dựng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, dự kiến vào khoảng 5 tỷ đồng. Mức thưởng “nóng” lần lượt cho HCV, HCB, HCĐ là 10 triệu đồng, 5 triệu đồng, 3 triệu đồng. Tìm đâu ra nguồn tài chính để thưởng “nóng” kịp thời vẫn đang là bài toán khó giải với ngành thể thao.

Vận động từ mạnh thường quân

Do đó, quỹ thưởng phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ trực tiếp của các doanh nghiệp, các nhà đồng hành. Không phải môn nào cũng được như đội cờ vua, khi Ngân hàng Nam Á treo thưởng 300 triệu đồng, trong đó nếu giành HCV cá nhân, đồng đội đều được 20 triệu đồng; HCB và HCĐ cá nhân - đồng đội được thưởng lần lượt 10 triệu đồng, 6 triệu đồng. Các doanh nghiệp thường có xu hướng thưởng cho các môn nổi bật bởi hiệu ứng quảng cáo sẽ tốt hơn các môn không được dư luận quan tâm. Thành ra, nhiều liên đoàn đang phải tự xoay xở vận động tài trợ để có thêm nguồn động viên cho vận động viên của mình tại SEA Games 31.

Đến lúc này, dù chưa công bố chính thức nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chắc chắn sẽ có thưởng lớn nhất dành cho các đội tuyển bóng đá nam, nữ, futsal. Cứ sau mỗi trận thắng, số tiền thưởng “nóng” lên đến hàng tỷ đồng là đã thấy rõ.

Còn nhớ sau SEA Games 30 năm 2019, đội tuyển bóng đá U22 nam khi đó nhận thưởng “nóng” từ các doanh nghiệp với hơn 6 tỷ đồng. Tổng số tiền thưởng của đội sau khi giành HCV SEA Games là hơn 12 tỷ đồng. Khá hài hước khi một số mạnh thường quân hứa thưởng nhưng sau “lặn” mất. Kỷ lục thưởng hiện nay vẫn thuộc về đội tuyển nữ. Với chiến tích giành vé dự World Cup hồi tháng 2 vừa qua, thầy trò Huấn luyện viên Mai Đức Chung được thưởng gần 30 tỷ đồng.

Bóng đá là môn thể thao vua nên không lạ gì khi luôn được thưởng lớn. Dù thế, mỗi chiến thắng, mỗi tấm HCV đều mang lại vinh quang chung cho Tổ quốc. Vậy nên, mong ngành thể thao đừng để chuyện tiền thưởng quá chênh lệnh, làm chạnh lòng các vận động viên môn khác.

Đấy cũng là điều mong mỏi tạo nên sự khác biệt của kỳ SEA Games này.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.