Chào đón V-League trở lại!
Sau gần 4 tháng tạm nghỉ ưu tiên cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và U23 Việt Nam thi đấu các giải quan trọng, V-League 2022 sẽ trở lại cuối tuần này bằng trận đá bù vòng 3 giữa Nam Định và Hà Nội FC. Rất nhiều kỳ vọng đoạn kết của giải đấu sẽ được nâng tầm sau bao cảm hứng vừa tạo dựng được.
Sau 4 vòng đấu, giải chuyên nghiệp đã phải ngừng đến gần 4 tháng trời nhường sân cho các ĐTQG. Đây là một nghịch lý không tồn tại với bất kỳ nền bóng đá nào trên thế giới. Bởi, các đội tuyển quốc gia của họ khi tập trung cũng chỉ tập vài ngày, thi đấu xong là trả quân cho câu lạc bộ (CLB). Việc kéo dài quãng nghỉ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy cho giải đấu lẫn các CLB, như lương, phong độ, công tác quản lý cầu thủ. Quan trọng hơn, không cho thấy sự chuyên nghiệp hóa giải đấu. Nên nhớ, một nền bóng đá mạnh phải dựa vào hệ thống giải chuyên nghiệp. Đó không chỉ là môi trường nuôi sống những người đang tham gia hoạt động bóng đá, mà là mặt trận chuyên môn, trui rèn, nảy nở những nhân tài cho nền bóng đá.
Nếu nói thêm về nghịch lý của giải chuyên nghiệp ở nước ta thì còn nhiều. Như, không có CLB nào có lãi. Đáng lo ngại hơn, chưa là môi trường tốt để các tài năng trẻ dụng võ. Bằng chứng, hàng loạt ngôi sao thành danh ở U23 Việt Nam nhưng đa số đều dự bị ở CLB. Đấy cũng là lý do để dư luận cùng giới chuyên môn yêu cầu VFF phải cân nhắc để tạo nên một giải đấu song song dành cho các cầu thủ trẻ được thực chiến.
Những hình ảnh pháo sáng, pháo nổ rực sân Lạch Tray - Hải Phòng ở giải giao hữu mới đây cũng cho thấy văn hóa xem bóng đá của bộ phận không nhỏ khán giả ta rất có vấn đề. Họ đến sân không hẳn vì tình yêu, mà còn để thể hiện cá tính lệch chuẩn mực. Hiện nay, còn rất ít CLB có Hội cổ động viên hoạt động quy củ, có hội viên đông đảo và chung tình. Đấy là điều đáng lo ngại bởi cùng với truyền thông, khán giả được ví là “tiền đạo” trong sơ đồ phát triển các CLB lẫn nền bóng đá.
Sự thành công của U23 Việt Nam và ĐTQG gần đây đang truyền cảm hứng cho V-League. |
Đến đoạn cuối mỗi mùa giải gần đây, Ban tổ chức đều phải thuê trọng tài ngoại về điều hành. Xét về đẳng cấp, các “vua ngoại” không nổi trội hơn trọng tài Việt, điểm khác biệt là… niềm tin, điều mà “quân ta” chưa thể hiện được. Cứ sử dụng trọng tài ngoại để đưa giải pháp an toàn, thắng - thua, sai - đúng các đội không kêu ca được!
Chỉ mỗi chi tiết đó đã nói lên sự thúc bách quan trọng - Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cần phải cải thiện năng lực tổ chức, điều hành, ứng biến với các trường hợp phát sinh qua mỗi mùa giải. Đã 22 mùa giải chuyên nghiệp diễn ra, riêng VPF đã tuổi lên 10, cần phải thể hiện sự lớn mạnh, tiến bộ hằng năm. Làm sao để các CLB sinh lợi nhuận, khán giả đến sân đông, chất lượng chuyên môn cao…, những câu hỏi đó vẫn đang trên hành trình tìm lời giải.
Dù khó, nhưng không thể để thực trạng đó kéo dài bởi tiền bạc đổ ra cho hệ thống giải chuyên nghiệp là cực lớn. Trong khi đó, các ĐTQG đang phát triển rất tốt. Nhiều địa phương đã chú trọng xây nền móng bóng đá trẻ, nên đòi hỏi trình độ VFF và VPF phải được nâng tầm tương thích.
Tất cả đang truyền cảm hứng cho những người có trách nhiệm để đưa “con thuyền” V-League rẽ sóng tìm được những chân trời mới. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lần thứ 10 khóa VIII, VFF đã hé mở bản kế hoạch dự kiến tổ chức V-League vắt qua 2 năm như Premier League, La Liga... Nếu làm tốt, đây sẽ là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi của V-League nhưng cũng khiến bóng đá Việt Nam buộc phải từ bỏ những quan niệm xưa cũ.
Sau 22 năm ra đời, cuối cùng, V-League đã có một khúc ca dành riêng cho mình. Khúc ca mang một cái tên rất đỗi hào hùng “Những bước chân của rồng”. Nhạc hiệu chính thức đó đã vang lên qua 4 vòng đấu khởi động của mùa giải 2022. Cuối tuần này, giai điệu đó tiếp tục được vang lên để chúng ta cùng hy vọng giải chuyên nghiệp Việt Nam sẽ sánh vai các tên tuổi lớn, ít nhất phải bằng và hơn Thái Lan.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc