Multimedia Đọc Báo in

Thể thao chuyên nghiệp: Không thể thiếu tiềm lực kinh tế

09:04, 22/07/2022

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 vừa khép lại với việc xác định được đội lên ngôi hậu cùng các đội phải rớt hạng, xuống chơi tại giải hạng A, mùa bóng 2023.

Kết quả trên một lần nữa chứng minh một thực tế không thể phủ nhận trong môi trường thể thao chuyên nghiệp là câu lạc bộ có tiềm lực kinh tế, tài chính hùng hậu, mạnh dạn “chi”, quyết tâm chinh phục vinh quang sẽ thành công, trong khi những đội bóng tồn tại phụ thuộc “bầu sữa” ngân sách nhà nước sẽ không trụ nổi ở giải đấu đỉnh cao nhất của bóng chuyền Việt Nam.

Mùa bóng 2022 kết thúc, đội bóng Geleximco Thái Bình đoạt chức vô địch ở nội dung nữ một cách thuyết phục. Nhận được sự hậu thuẫn, tài trợ của Tập đoàn kinh tế Geleximco với số tiền lên đến 3 tỷ đồng/năm, đội quân của Huấn luyện viên Trần Văn Giáp có thể yên tâm tập luyện, cống hiến, mang về vinh quang, cũng như có thêm nguồn lực chiêu mộ cầu thủ chất lượng, giúp Thái Bình hiện thực hóa mục tiêu sau 15 năm chờ đợi.

Nguyễn Thị Phước, H'Mia Êban, Phạm Thị Lan (từ trái sang phải) nỗ lực thi đấu cho đội bóng chuyền Đắk Lắk.

Chuẩn bị cho hành trình chinh phục ngôi vô địch, trước mùa giải, Geleximco Thái Bình đưa về đội hình tuyển thủ quốc gia, phụ công cao đến 1,82 m Đinh Thị Trà Giang. Chưa dừng lại ở đó, đội còn có được chữ ký của cầu thủ đẳng cấp thế giới Polina Rahimova, tuyển thủ Azerbaijan từng cùng đội tuyển đăng quang ngôi vô địch châu Âu 2016.

Những chi tiết xung quanh bản hợp đồng này không được tiết lộ, song theo dự đoán của các chuyên gia, với trình độ, đẳng cấp của mình, Geleximco Thái Bình phải chi không dưới 1 tỷ đồng để có sự phục vụ của đối chuyền này chỉ vỏn vẹn trong khoảng thời gian 2 tuần giải diễn ra.

Với sự mạnh tay “chịu chi”, Geleximco Thái Bình bổ sung vào đội hình 2 cầu thủ chất lượng hàng đầu trên, bên cạnh những gương mặt xuất sắc không kém như tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Uyên, libero Bùi Thị Huệ, phụ công Trần Thị Thêm...

Geleximco Thái Bình đã lần lượt vượt qua các đối thủ mạnh trong bảng như Ninh Bình Doveco, Kinh Bắc Bắc Ninh để vào tứ kết. Ở trận đấu loại trực tiếp gặp Bộ Tư lệnh Thông tin - nhà đương kim vô địch, đội bóng bất bại 12 năm liên tiếp, thầy trò Huấn luyện viên Trần Văn Giáp tạo nên "cơn địa chấn" lớn nhất giải khi loại đội bóng này với tỷ số sít sao 3-2.

Có dõi theo trận đấu mới thấy số tiền mà Geleximco Thái Bình bỏ ra để chiêu mộ Polina Rahimova là xứng đáng, bởi  màn trình diễn của cô thật đáng “đồng tiền bát gạo”. Đối chuyền cao gần 2 m này một mình ghi tổng cộng 53 điểm, một trong những điểm số kỷ lục một trận bóng chuyền.

Vận động viên tài năng Đặng Thu Huyền (số 8) chia tay đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk sau khi giúp đội trụ hạng ở mùa giải 2020.

Bảng hợp đồng bom tấn này tiếp tục phát huy giá trị, giúp Geleximco Thái Bình quật ngã đội bóng giàu truyền thống VTV Bình Điền Long An ở bán kết và chinh phục “đội bóng nhà giàu” Hóa chất Đức Giang Hà Nội ở trận chung kết để lên ngôi vô địch. Geleximco Thái Bình nếm “quả ngọt” sau 15 năm đợi chờ có yếu tố rất lớn từ tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, với sự ủng hộ, tài trợ kinh phí của Tập đoàn kinh tế Geleximco.

Trái ngược với nhà đương kim vô địch, những đội bóng "nhà nghèo", kinh phí hoạt động hoàn toàn từ ngân sách nhà nước, đơn cử như đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk thì việc xuống hạng là điều đã được dự báo trước, vấn đề chỉ là thời gian.

Suốt 5 mùa giải qua, thầy trò Huấn luyện viên Trần Đăng Thành, trước đó là Nguyễn Thu Hương luôn ngay ngáy với nỗi lo xuống hạng và đến năm 2022 này, điều đó đã thành hiện thực. Một đội bóng không thể trụ vững ở một giải đấu khắc nghiệt khi nguồn lực tài chính eo hẹp, không cho phép bổ sung những gương mặt, vận động viên chất lượng trước mỗi mùa giải, trong khi đó những cầu thủ tài năng như phụ công, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Trinh, chuyền 2 Đặng Thu Huyền, libero Nguyễn Khánh Đang cứ lần lượt chia tay đội bóng, tìm bến đỗ mới ở các đội bóng có tham vọng, chế độ đãi ngộ cao hơn.

Giải pháp tình huống, tranh thủ mối quan hệ, mượn cầu thủ ở các câu lạc bộ khác, chắp vá vào đội hình để giúp đội bóng trụ hạng không bền vững, lâu dài. Nhiều năm qua, danh sách đội bóng vẫn là những gương mặt quen thuộc như đội trưởng H’Mia Êban, libero Nguyễn Thị Phước, phụ công Phạm Thị Lan, Nguyễn Thị Nga…

Mùa giải 2022 này dù họ đã nỗ lực thi đấu hết mình cũng không thể giúp đội bóng trụ hạng thành công. Hình ảnh Lê Thị Duyên với những giọt nước mắt bất lực trong trận gặp Bamboo Airways Vĩnh Phúc hay Hà Thị Oanh dù đang bị thoát vị đĩa đệm chờ ngày mổ vẫn phải gắng gượng vào sân thi đấu trong các trận "chung kết ngược" đã lột tả hết những khó khăn của bóng chuyền Đắk Lắk.

Với khán giả hâm mộ, Đắk Lắk xuống hạng sẽ để lại tâm lý hụt hẫng, xen lẫn thất vọng, song với những ai đã đồng hành, gắn bó với đội bóng và ít nhiều hiểu nội tình của đội thì đành chấp nhận đó là một hệ quả tất yếu, mà nguyên nhân không gì khác ngoài cái khó về kinh phí.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.