Việt Nam hướng tới mục tiêu dự World Cup năm 2030: Đặt niềm tin vào quyết tâm của VFF
Tại Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022 - 2026) vừa diễn ra, các chuyên gia, người hâm mộ đặc biệt quan tâm đến những mục tiêu lớn mà Liên đoàn đưa ra.
Ở nhiệm kỳ mới, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đề ra các chỉ tiêu: phấn đấu đưa đội tuyển quốc gia vào top 10 khu vực châu Á, giành quyền vào vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2026 khu vực châu Á, cạnh tranh cơ hội dự vòng chung kết FIFA World Cup 2026, hướng đến tham dự vòng chung kết World Cup 2030; giành quyền vào tứ kết tại vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á 2023…
Những mục tiêu VFF đưa ra nhận được nhiều luồng ý kiến tranh luận trái chiều của các chuyên gia, người hâm mộ, đặc biệt quan tâm là mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam góp mặt tại Wolrd Cup 2030.
Với những ai kỳ vọng vào đội tuyển Việt Nam thì niềm tin ấy là hoàn toàn có cơ sở, xuất phát từ thực tế bởi thời gian qua bóng đá nước nhà tiến bộ vượt bậc. Bóng đá Việt Nam từng bước khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ khu vực, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với đại kình địch Thái Lan trên mọi đấu trường. Niềm tin ấy càng mạnh mẽ hơn khi ngược về quá khứ, vào thời điểm 2014, khi mà Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ra đời không mấy ai tin mục tiêu Chiến lược đề ra là giai đoạn 2012 – 2020, đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch SEA Games và Đông Nam Á sẽ thành hiện thực, thế mà chúng ta đã hoàn thành mục tiêu ấy. Hơn nữa, tiềm năng của bóng đá nước ta hiện còn rất lớn, các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, câu lạc bộ đều có chiến lược đào tạo năng khiếu phục vụ đội bóng và cung cấp cho đội tuyển quốc gia nên Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu, góp mặt ở World Cup 2030, mà cơ hội ấy càng rõ ràng hơn khi FIFA tăng suất tham dự World Cup cho khu vực châu Á từ 4,5 lên 8,5 đội.
Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022 - 2026) ra mắt nhận nhiệm vụ. |
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến thận trọng, dè dặt hơn với mục tiêu trên, thậm chí thẳng thừng cho rằng mục tiêu đó không thực tế và VFF nên điều chỉnh lại mục tiêu phù hợp với khả năng hơn. Những ý kiến này không phủ nhận bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ, song cho rằng chưa bền vững, còn tồn tại nhiều bất cập, thể hiện qua việc các trung tâm đào tạo ra đời ồ ạt song không nhiều “lò” được đầu tư bài bản, khoa học; các giải bóng đá Việt Nam kém chất lượng, thiếu sức hút; cầu thủ trẻ thiếu cơ hội cọ xát, thi đấu ở các giải chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, trình độ, đẳng cấp của các cầu thủ Việt Nam vẫn chưa đạt đến tầm cỡ châu lục, điều đó thể hiện rõ ở vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á vừa qua.
Tất nhiên, là một công dân và là cổ động viên ủng hộ đội tuyển, ai cũng mong muốn quốc ca, quốc kỳ Việt Nam vang lên, tung bay ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trong một ngày gần nhất. Chính vì vậy dù đứng về phía nào, chúng ta cần hoan nghênh những chỉ tiêu mà VFF đã mạnh dạn đưa ra bởi tất cả là hướng đến phục vụ, làm thỏa mãn người hâm mộ, vì vinh dự Tổ quốc.
World Cup 2030 chỉ còn hơn 7 năm nữa, vì vậy ngay sau Đại hội, để củng cố niềm tin của người hâm mộ, ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa IX khẳng định Liên đoàn sẽ bắt tay vào các công việc cần thiết như: tập trung phát triển bóng đá trẻ, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các giải bóng đá quốc gia; ổn định tài chính cho hoạt động bóng đá, dồn nguồn lực đầu tư cho các đội tuyển, thuê chuyên gia, thực hiện những chương trình tập huấn nâng cao… Đó những giải pháp trọng tâm, mà với tất cả trách nhiệm của mình, vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, VFF triển khai để biến mục tiêu thành kết quả, quyết tâm thành hành động, chứ không phải chỉ là hô hào khẩu hiệu.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc