Không nên chỉ tập trung vào SEA Games!
Chỉ còn hơn một tháng nữa, SEA Games 32 Campuchia sẽ diễn ra. Dù có những biến động về ngân sách suy giảm, nhiều môn thế mạnh bị lược bỏ, Việt Nam vẫn quyết tâm phấn đấu đứng trong top 3 nền thể thao mạnh nhất Đông Nam Á. Câu hỏi đặt ra: Thể thao Việt Nam (TTVN) có cần thiết phải quá tập trung ở SEA Games, khi đã liên tục nằm trong top 3, thậm chí dẫn đầu?
1. Mới đây, các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) của TTVN đón nhận tin không vui: Từ con số dự kiến ban đầu lên tới 1.018 người, đoàn TTVN phải cắt giảm nhân sự xuống chỉ còn khoảng 900 người. Lý do là kinh phí không đủ. Bởi năm nay, bên cạnh SEA Games 32 và một số giải khác, Việt Nam còn phải chuẩn bị cho ASIAD tại Hàng Châu (Trung Quốc). Ngoài ra, các VĐV cũng sẽ dự một số giải vòng loại Olympic để cải thiện thành tích, hướng tới tham dự Thế vận hội.
Lâu nay, ngoài bóng đá, các đoàn thể thao của chúng ta chưa quen bị tinh giản quá nhiều nhân sự khi tham gia đấu trường SEA Games. Việc Đại hội thể thao năm nay tổ chức tại Campuchia, rất thuận lợi mà vẫn phải cắt giảm khiến không ít người “lời ra, ý vào”.
Dù thế, đã đến lúc phải chia sẻ với ngành thể thao, bởi không thể mãi được tôn vinh về số lượng tham dự đông đảo bậc nhất ở các kỳ SEA Games; kể cả đoạt hàng tá huy chương nhưng khi bước ra đấu trường ASIAD, và xa hơn là Olympic, TTVN lại ngày một hụt hơi. Hiện Thái Lan, Malaysia, Indonesia có thể đều đặn đào tạo VĐV đủ trình độ tranh Huy chương Vàng Olympic, nhưng Việt Nam lại chưa làm được điều đó một cách bài bản, hiệu quả. Kể từ tấm Huy chương bạc (HCB) Sydney 2000 của Trần Hiếu Ngân, taekwondo Việt Nam không có VĐV nào giành huy chương Olympic nữa. 2 tấm huy chương: 1 vàng, 1 bạc của bắn súng được Hoàng Xuân Vinh mang về ở cùng một kỳ Olympic Rio. Môn thể thao duy nhất Việt Nam có thể giành huy chương ở các kỳ Olympic khác nhau là cử tạ (Huy chương Bạc 2008, Huy chương Đồng 2012), nhưng chúng ta cũng "trắng tay" ở hai kỳ gần nhất.
Đoàn TTVN vô địch SEA Games 31 nhưng "trắng tay" tại Olympic 2022. |
2. Nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Malaysia cũng chịu tình trạng ngân sách cho ngành thể thao bị cắt giảm. Sự khác biệt đó là, Thái Lan biết cách thu hút nguồn lực đổ vào thể thao từ các doanh nhân, thay vì chỉ trông chờ ngân sách nhà nước. Trên thực tế, SEA Games từ lâu không còn là mục tiêu hàng đầu của Thái Lan. Thể thao nước này luôn đảm bảo giành 10 - 12 Huy chương Vàng ở các kỳ Á vận hội, đồng thời duy trì thường xuyên đội ngũ 3 - 5 VĐV đủ khả năng tranh Huy chương Vàng Olympic. Những môn thể thao thế mạnh của Thái Lan tại đấu trường thế giới là boxing, taekwondo và cử tạ. Bên cạnh Thái Lan, Indonesia cũng có những VĐV đẳng cấp thế giới ở hai môn cầu lông và cử tạ. Với Malaysia, họ có một trung tâm tập luyện thể thao có quy mô và tầm cỡ quốc tế. Đây là cơ sở giúp thể thao Malaysia tiến ra đấu trường thế giới, nơi họ có những VĐV rất mạnh ở môn cầu lông và nhảy cầu. Sau khi Lee Chong Wei giải nghệ, cầu lông Malaysia hiện có một người kế thừa xuất sắc khác là Lee Zii Jia, tay vợt nằm trong top 3 thế giới.
Khiêm tốn hơn các quốc gia kể trên, nhưng thể thao Philippines cũng chứng kiến bước nhảy vọt thời gian gần đây. Họ liên tục nhập tịch các VĐV "Phi kiều" gốc Mỹ về khoác áo đội tuyển. Ở kỳ Olympic gần nhất, Philippines đã giành 1 Huy chương Vàng môn cử tạ. Họ cũng có thế mạnh ở các môn boxing và thể dục dụng cụ.
Trong khi đó, chúng ta đứng số 1 SEA Games 31 năm 2022 trên sân nhà với 205 Huy chương Vàng nhưng tại Olympic Tokyo 2021, đoàn TTVN ra về tay trắng. Điều đó làm dấy lên nỗi lo, nếu SEA Games 32 này chúng ta cũng gặt “mưa huy chương”, nhưng tại ASIAD 19 diễn ra tháng 9 tới ở Trung Quốc, TTVN không đạt từ 3 - 5 Huy chương Vàng thì lại “giậm chân tại chỗ”.
Tóm lại, SEA Games nên ưu tiên tinh gọn lực lượng, ngành thể thao cần nhận thức tầm nhìn phải vượt SEA Games, coi đấu trường này chỉ là bàn đạp để phát triển các môn Olympic. Về kinh phí, những người làm thể thao cần phải loại bỏ tư duy bám vào nguồn ngân sách nhà nước, bằng việc làm tốt khâu xã hội hóa.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc