Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa thể thao chuyên nghiệp gặp khó

06:46, 02/04/2023

Liên tục các đội bóng đá, bóng chuyền của Đắk Lắk phải xuống hạng hoặc tạm ngưng, không tham dự những sân chơi chuyên nghiệp bởi chưa giải được “bài toán” khó về xã hội hóa, thu hút kinh phí tài trợ.

Mới đây nhất, Giải futsal vô địch quốc gia 2023 diễn ra sôi động nhưng thiếu vắng đại diện duy nhất của Tây Nguyên - Câu lạc bộ futsal Hưng Gia Khang Đắk Lắk - đã để lại nhiều nuối tiếc trong lòng khán giả hâm mộ, song điều này đã được dự liệu trước đó.

Câu lạc bộ futsal Hưng Gia Khang Đắk Lắk là đội futsal chuyên nghiệp đầu tiên của tỉnh. Đội quân của ông bầu Nguyễn Văn Kế góp mặt ở sân chơi chuyên nghiệp cao nhất của làng futsal hai mùa giải 2021 - 2022 và được mệnh danh là “ngựa ô”, góp phần làm giải đấu sôi nổi, giàu tính cạnh tranh hơn với lối chơi rực lửa, fair play. Sau khi kết thúc mùa giải 2022, Hưng Gia Khang Đắk Lắk đã có những dấu hiệu khó khăn về nguồn lực tài chính khi không tham dự Cúp vô địch quốc gia. Đội bóng chia tay huấn luyện viên trẻ Trần Ngọc Công, còn các cầu thủ chủ chốt của đội bóng như Y Chức H’Mok, Trọng Nhân tạm thời khoác áo Xổ số kiến thiết Đắk Lắk trong lúc chờ đợi ban lãnh đạo có kế hoạch mới. Đầu tháng 3/2023, Chủ tịch Câu lạc bộ futsal Hưng Gia Khang Đắk Lắk Nguyễn Văn Kế chính thức xác nhận đội bóng không tham dự Giải futsal vô địch quốc gia. Không nói ai cũng hiểu nguyên nhân là do những khó khăn về tài chính. Đội bóng vừa đoạt Huy chương Đồng Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vốn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chính là bất động sản gặp khó khăn khi không xã hội hóa, kêu gọi được các doanh nghiệp, nhà tài trợ khác cùng chung tay đồng hành với mình để duy trì, nuôi đội bóng, trả lương cho các cầu thủ.

Một doanh nghiệp ủng hộ các cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk 20 triệu đồng.

Trước đó, thể thao thành tích cao của Đắk Lắk cũng liên tiếp đón nhận hai tin không vui là Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk đang chơi ở giải hạng Nhất quốc gia rớt hạng Nhì, đội tuyển bóng chuyền nữ tỉnh cũng nói lời chia tay với giải bóng chuyền vô địch quốc gia, xuống chơi ở giải hạng A. Tương tự Hưng Gia Khang Đắk Lắk, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả không một ai mong muốn đó vẫn là những khó khăn về tài chính khi cả hai đều chưa kết nối được các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí, thêm nguồn lực đầu tư cho công tác chuyên môn, chiêu mộ cầu thủ chất lượng, củng cố lực lượng, nâng cao tính cạnh tranh, cải thiện thành tích cũng như tăng thêm thu nhập cho các vận động viên.

Không riêng gì Đắk Lắk, mà các tỉnh thành khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đơn cử như Sài Gòn FC đã phải bỏ giải hạng Nhất quốc gia 2023, cầu thủ ly tán khắp nơi, trong khi Câu lạc bộ bóng đá Cần Thơ cũng không tham dự giải đấu trên bởi gặp khó về tài chính, còn một trong những đội futsal tên tuổi là Sài Gòn FC cũng bỏ cuộc chơi vì lý do tương tự, mặc dù đội bóng này vừa đăng quang Cúp vô địch quốc gia 2022.

Tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk không có nhà tài trợ.

Vậy nguyên nhân nào mà các đội bóng chuyên nghiệp chưa tạo sức hút của các nhà tài trợ? Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đã từng phân tích, thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân là do các đội bóng chưa thật sự gây dựng thương hiệu, trở thành “đại sứ” đại diện cho hình ảnh của doanh nghiệp giúp quảng bá, mở rộng thương hiệu họ ra thị trường đến gần hơn với người tiêu dùng. Hơn nữa, vốn dĩ các nhà tài trợ là những doanh nghiệp kinh doanh, luôn có những phương án, sự chọn lựa khôn ngoan, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đem lại lợi ích kinh tế cao nhất về cho mình. Chính vì thế, dù một đội bóng chuyền, hoặc bóng đá có thể thi đấu đẹp, để lại hình ảnh ấn tượng nhưng thành tích không cao, không tạo được tiếng vang ở giải đấu mình đang tranh tài, tất nhiên doanh nghiệp không mặn mà tài trợ, đầu tư.

Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng sau đại dịch COVID–19, các doanh nghiệp mới vừa “gượng dậy”, phục hồi, chú trọng quan tâm, chăm sóc cho “sức khỏe” của chính thân hơn là đầu tư vào lĩnh vực thể thao vốn quá nhiều rủi ro thì rồi đây, chắc chắn không riêng gì bóng đá, bóng chuyền, mà tất cả các môn thể thao thành tích cao khác của Đắk Lắk còn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.