Multimedia Đọc Báo in

“Dị nhân” của làng runner Việt Nam

10:38, 26/06/2023

Tại Giải Đắk Lắk Marathon vừa qua, những người yêu thích môn chạy bộ có dịp hội ngộ một gương mặt biệt danh “dị nhân” của runner Việt Nam Nguyễn Văn Long, người đã lập kỷ lục, chinh phục hành trình xuyên Việt...

Trong giới chạy bộ cả nước, runner 38 tuổi Nguyễn Văn Long quê ở Gia Lai đã gây dựng được thương hiệu với hàng loạt danh hiệu, thành tích vẻ vang đã đoạt được như: Huy chương Vàng ở giải Marathon Đông Nam Á 2007, Giải điền kinh quốc gia các năm 2009 - 2011; Giải Marathon Báo Tiền Phong các năm 2010 - 2012 và thiết lập kỷ lục quốc gia cự ly 21 km với thành tích 1 giờ 8 phút...

Nguyễn Văn Long làm quen với bộ môn chạy bộ năm 20 tuổi. Năm 2005, với niềm đam mê mãnh liệt với môn chạy bộ, Nguyễn Văn Long quyết định xin vào đội tuyển điền kinh tỉnh Gia Lai. Không được tập luyện kỹ thuật bài bản, lại ở cái tuổi 20, khi mà nhiều vận động viên đã giải nghệ nên “cánh cửa” vào đội tuyển điền kinh Gia Lai của Nguyễn Văn Long khó khăn hơn. Tuy nhiên, với ý chí, tinh thần quyết tâm, tháng 10/2005, anh chính thức gia nhập đội tuyển điền kinh tỉnh Gia Lai.

“Dị nhân” Nguyễn Văn Long.

Trong thời gian từ năm 2005 đến 2013 khoác áo đội tuyển điền kinh của Gia Lai, Nguyễn Văn Long gặt hái vô số danh hiệu, giành nhiều huy chương ở các đấu trường thể thao thành tích cao tỉnh Gia Lai. Đến cuối 2013, Nguyễn Văn Long đầu quân cho đội điền kinh Cần Thơ, sau đó khoác áo điền kinh Đồng Nai vào năm 2015 trước khi trở về quê nhà Gia Lai năm 2019 và chính thức chia tay sự nghiệp vào năm 2021.

Năm 2022, “dị nhân” runner Nguyễn Văn Long “gây bão” làng chạy bộ cả nước khi lên kế hoạch chạy xuyên Việt, hiện thực hóa ước mơ anh ấp ủ khi còn là vận động viên chuyên nghiệp. Anh chia sẻ, khi đưa ý tưởng, anh nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, có nhiều đồng nghiệp động viên, ủng hộ, song cũng có không ít người cho đây là ý tưởng điên rồ.

Ngày 10/4/2022 anh chính thức xuất phát “Hành trình xuyên Việt 2022 sẻ chia và kết nối” từ Trà Cổ (Quảng Ninh) đến đất mũi Cà Mau với tổng chiều dài dự kiến là 2.846 km. Hành trang lên đường của Long có 40 triệu đồng ủng hộ của các nhà tài trợ, 3 người bạn thân chạy xe máy đồng hành theo lo hậu cần, ăn nghỉ, tiếp nước suốt chuyến đi…

Nghị lực, quyết tâm của Nguyễn Văn Long cùng ý nghĩa cao đẹp là kêu gọi, vận động quyên góp ủng hộ Quỹ “Bầu Bí Việt”, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam đã tạo nên sự lan tỏa, giúp hành trình của “dị nhân” không hề đơn độc. Đến bất cứ địa phương nào anh cũng được cộng đồng chạy bộ ở cả nước đón tiếp bằng cách chạy đồng hành theo anh. Những hình ảnh về quá trình chạy bộ của Long được cập nhật liên tục trên các nền tảng Internet có hàng nghìn người theo dõi cổ vũ, đồng thời “giám sát” hành trình anh đang thực hiện.

Nguyễn Văn Long về nhì, cự ly 21 km tại Giải Đắk Lắk Marathon 2023.

Hành trình xuyên Việt của Nguyễn Văn Long kết thúc vào ngày 13/5/2022, khi anh về đích tại đất mũi Cà Mau. Đồng hồ ghi nhận anh đã chạy tổng cộng 2.656 km trong 34 ngày liên tục, trung bình chạy 78,1 km/ngày; tuy nhiên trên thực tế có 4 ngày anh không chạy vì bị căng cơ và phải nghỉ ngơi nên số ngày chạy thực tế của Long chỉ là 30 ngày, trung bình mỗi ngày anh chinh phục khoảng 88,5 km. Kết thúc hành trình, Nguyễn Văn Long đã kêu gọi cộng đồng quyên góp được 300 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Bầu Bí Việt”. Bên cạnh đó anh cũng bán đấu giá chiếc áo và đồng hồ anh đeo trong hành trình chạy xuyên Việt được 36 triệu đồng, mua sách vở tặng những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại Gia Lai.

Nguyễn Văn Long chia sẻ, hành trình xuyên Việt không phải là để tạo tiếng vang, thiết lập một kỷ lục mà đơn giản là để truyền cảm hứng, làm lan tỏa tinh thần, niềm đam mê tập luyện thể thao, bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người. Hơn nữa thể thao có thể gắn kết mọi người, để tất cả cùng chung tay vì những mục đích tốt đẹp hơn, như tại giải Đắk Lắk Marathon anh vừa tham dự, gần 2.000 vận động viên mỗi người đã đóng góp 100 nghìn đồng, giúp Ban tổ chức triển khai các hoạt động xã hội.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.