Multimedia Đọc Báo in

Giải vô địch quốc gia V.League 2023: Suất xuống hạng gọi tên ai?

07:49, 11/08/2023

Hôm nay (11/8), nhóm B V.League sẽ thi đấu vòng cuối cùng để quyết định tấm vé xuống hạng. Một cuộc đua hứa hẹn nhiều bất ngờ, dù giới chuyên môn đã nhận định SHB Đà Nẵng cầm chắc suất xuống hạng Nhất.

Hiếm có mùa giải nào suất xuống hạng lại phải phân định bằng vòng đấu cuối như năm nay. Cũng hiếm khi ba đội lo trụ hạng lại có đến hai tên tuổi lẫy lừng như SHB Đà Nẵng và Becamex Bình Dương. Qua 23 mùa giải chuyên nghiệp, đội bóng bên bờ sông Hàn đã 2 lần vô địch V.League, 2 lần á quân, 3 lần Huy chương Đồng, 1 lần vô địch Siêu Cúp.

Kể từ khi giành hạng 3 năm 2016 đến nay, SHB Đà Nẵng liên tục rơi vào nhóm trung bình yếu. Không những vậy, nền tảng đào tạo trẻ cũng có vấn đề khi không đạt được thành tích nào đáng kể. Trong bối cảnh đó, đội bóng bên bờ sông Hàn phải mua cầu thủ nơi khác về dẫn đến phai nhạt bản sắc. Công tác tổ chức, nhân sự cũng có nhiều biến động, 4 huấn luyện viên (HLV) lần lượt ngồi ghế nóng là Huỳnh Đức, Minh Phương, Phan Thanh Hùng và hiện là Phạm Minh Đức. Họ cũng vừa mới thay chủ tịch lẫn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thể thao SHB.Đà Nẵng.

Dù tuột dốc không phanh nhưng không ai nghĩ SHB Đà Nẵng lại “thê thảm” như mùa giải năm nay. Họ chỉ thắng duy nhất 1 trận, hòa 8, thua 8, được 11 điểm. Hai trận đấu quyết định "sống còn" gần đây trên sân Hòa Xuân thì thầy trò HLV Phạm Minh Đức lại để thua trước Hoàng Anh Gia Lai và Sông Lam Nghệ An.

SHB Đà Nẵng (trái) đã để thua Sông Lam Nghệ An.

Bình Dương thành tích còn “khủng” hơn: 4 lần vô địch V.League, 2 lần á quân, 3 lần vô địch Cúp Quốc gia, 4 lần giành Siêu Cúp. Kể từ năm 2015 đến nay, đội bóng này cũng “rơi tự do” như SHB Đà Nẵng. Con đường sa sút của đội bóng Đông Nam Bộ cũng tương tự, hệ thống đào tạo trẻ chưa tốt, cầu thủ thiếu khát vọng... Becamex Bình Dương là câu lạc bộ có số lần sa thải HLV kỷ lục, nhưng hiệu quả không cao.

Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh tiền thân là Cảng Sài Gòn lừng lẫy. Cuối năm 2008, lãnh đạo Cảng Sài Gòn tuyên bố không còn kinh phí để duy trì đội bóng. Do chỉ còn nhà tài trợ chính là Tổng Công ty Thép Việt Nam, lãnh đạo câu lạc bộ đã đưa ra quyết định đổi tên đội bóng để hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, trong đó tên hiệu Câu lạc bộ bóng đá TP. Hồ Chí Minh được lựa chọn với sự đồng ý chuyển phiên hiệu của đơn vị chủ quản là Công ty TNHH Bóng đá TP. Hồ Chí Minh và Liên đoàn Bóng đá TP. Hồ Chí Minh với giá 15 tỷ đồng đầu tư cho chính câu lạc bộ. Có những giai đoạn câu lạc bộ được đầu tư mạnh nhưng nhìn chung đội bóng này phát triển không xứng tầm lẫn kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá TP. Hồ Chí Minh.

Trước lượt đấu cuối của nhóm đua trụ hạng V.League 2023, SHB Đà Nẵng đang là đội yếu thế nhất khi đứng cuối bảng xếp hạng với chỉ 11 điểm, kém 3 điểm so với hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Bình Dương và Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh (cùng 14 điểm). Với cục diện này, dù SHB Đà Nẵng có đánh bại Khánh Hòa với tỷ số bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng là vô nghĩa nếu ở trận đấu cùng giờ, Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh và Becamex Bình Dương cầm hòa nhau trên sân Thống Nhất.

Lúc này, Đà Nẵng chỉ biết chờ đợi Becamex Bình Dương sẽ thắng TP. Hồ Chí Minh. Khi ấy, SHB Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cùng có 14 điểm, nhưng đội bóng sông Hàn sẽ trụ hạng nhờ hiệu số bàn thắng bại tốt hơn. Kịch bản Becamex Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh hòa nhau ở trận cuối để chính thức trụ lại V.League đang được giới chuyên môn và người hâm mộ dự đoán.

Khi tấm màn nhung V.League 2023 sắp sửa khép lại, cũng là lúc người hâm mộ đặt ra câu hỏi về niềm tin, khi mà giải bóng đá hạng cao nhất Việt Nam mùa này đã có những tranh cãi về công tác trọng tài hay kết quả một số trận đấu để lại nhiều nghi vấn về câu chuyện nhường điểm số.

Câu chuyện hai đội bóng giàu thành tích, một đội thuộc trung tâm lớn nhất nước như TP. Hồ Chí Minh phải lo trụ hạng, thực sự là câu hỏi lớn cho cách làm bóng đá chuyên nghiệp của ta.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.