Multimedia Đọc Báo in

Để lời xin lỗi được chấp nhận

08:31, 15/10/2023

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) kiêm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự ASIAD 19 Đặng Hà Việt vừa nói lời xin lỗi về thành tích kém cỏi của đoàn TTVN tại ASIAD 19.

Vẫn còn ấm ức

Ông Đặng Hà Việt nói: "Thay mặt lãnh đạo TTVN, tôi gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ trong cả nước và mong rằng trong thời gian tới TTVN tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, người hâm mộ và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để nâng cao thành tích của TTVN”.

Chúng ta vừa đứng nhất SEA Games 32 nhưng tại ASIAD 19 Hàng Châu, đoàn TTVN chỉ giành được 3 Huy chương Vàng (HCV), 5 Huy chương Bạc (HCB) và 19 Huy chương Đồng (HCĐ), đứng thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương tại ASIAD 19, bị đẩy xuống vị trí thứ 6 Đông Nam Á. Trong khi đó 5 năm trước, chúng ta còn đạt được 5 HCV.

Ông Đặng Hà Việt chia sẻ về vấn đề phát triển TTVN trong tương lai như sau: Chúng ta cần một quy trình toàn diện, khoa học và bài bản, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, hồi phục, phòng tránh - điều trị chấn thương và đội ngũ khoa học với trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá vận động viên, phân tích đối thủ và đặc biệt các môn thể thao trọng điểm cần có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học.

Thực ra, đấy là con đường tất yếu của TTVN. Vấn đề là, làm sao đột phá bằng những hành động cụ thể và hiệu quả thì ông Hà Việt lại chưa cho biết mốc thời gian - điều giới chuyên môn rất muốn ông Việt đặt dấu ấn lớn hơn một lời xin lỗi trong vai trò là người mới tiếp quản chức Tổng cục trưởng.

Chúng ta cần đột phá về sự đãi ngộ tương xứng với những hy sinh của các vận động viên.

Phần móng lung lay

Thông tin một số tuyển thủ của đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia đang luyện tập tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia phản ánh việc mình thường xuyên bị đói vì ăn không đủ, dù theo quy định mỗi suất ăn có giá 800 nghìn đồng; ngoài ra, mỗi vận động viên phải đóng một khoản tiền với HLV trưởng mỗi tháng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Sự vụ xảy ra ngay khi đoàn TTVN đang tham dự ASIAD 19 khiến hiệu ứng rất xấu.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết đây là sự việc đau xót và là lời cảnh tỉnh đối với những người quản lý, những người làm công tác huấn luyện, chỉ vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua những vấn đề khác, trong đó có vấn đề đời sống và sinh hoạt của vận động viên.

Đây không là chuyện mới xảy ra lần đầu với ngành thể thao. Chúng ta đều biết, ngoài bóng đá, vận động viên các môn khác có thu nhập, chế độ lương thưởng rất thấp. Ngay từ bé, các em đã phải xa gia đình, khổ luyện, chịu mọi hy sinh để mong phụng sự nền thể thao nước nhà. Vậy mà, đến chế độ ăn còn bị cắt xén thì quá đau lòng! Đã đến lúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải sớm chỉ đạo Cục Thể dục thể thao cho triển khai ngay tổng kiểm tra, rà soát công tác huấn luyện tại các đội tuyển, nhất là trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, chế độ sinh hoạt, kinh phí theo quy định để đáp ứng yêu cầu huấn luyện. Cần thực hiện nghiêm minh quy định của pháp luật về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với việc quan tâm chăm lo đời sống huấn luyện viên, vận động viên tại các đội tuyển quốc gia.

Bà Trịnh Thị Thủy cũng đã thẳng thắn chia sẻ thực trạng đáng lo ngại: Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội không đủ điều kiện diện tích đảm bảo cho hơn 40 đội tuyển trẻ tập luyện hằng năm (khoảng 1 nghìn người). Do khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất khách quan, để đáp ứng được nhu cầu tập huấn, các đội tuyển phải chuyển sang các cơ sở của Khu Liên hợp thể thao quốc gia và các trung tâm ở địa phương khác.

Đã qua rồi thời cả nước thực hiện phương châm: "Hy sinh quyền lợi cá nhân vì màu cờ sắc áo", "nhà nghèo vượt khó", "đi tắt đón đầu"... Thể thao hiện đại đòi hỏi phải có sự đầu tư trọng điểm và xứng đáng, từ chế độ lương thưởng cho vận động viên, cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu; ứng dụng khoa học kỹ thuật. Để vươn tầm cao mới đòi hỏi các nhà quản lý thể thao phải có tư tưởng lớn.

Những câu chuyện trên đây đang góp phần lý giải nguyên nhân vì sao nền thể thao chúng ta luôn giậm chân tại chỗ, thậm chí đang thụt lùi.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.