Bài học xương máu
Đội tuyển quốc gia đã để thua cay đắng Indonesia cả hai trận lượt đi và về. Đấy là điều được tiên liệu trước, căn cứ vào một năm không thành công dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên (HLV) Philipe Troussier. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thể kiểm soát tình hình sớm hơn trước ngày sa thải HLV người Pháp hay không?
Cho đến ngày chia tay, ông Troussier đã có hơn một năm làm việc với bóng đá Việt Nam. Ông chưa giúp hai đội tuyển đạt thành tựu gì, ngoài tạo cảm giác những gì ông đang kiến tạo như một đại công trình ngổn ngang, từ triết lý chơi bóng, cách chọn và sử dụng người.
Đã có những thống kê mang tính "kỷ lục" được đưa ra: ông Troussier là HLV nhận lương cao nhất lịch sử; tỷ lệ thua cao nhất trong các đời HLV trưởng quốc gia; HLV khiến bóng đá Việt Nam tụt bậc trên bảng xếp hạng FIFA nhiều và nhanh nhất; sử dụng con người kỳ lạ nhất…
Tại sao những “bất thường” xảy ra trong một thời gian khá dài, nhưng những người có trách nhiệm với bóng đá không thể kiểm soát? Đó là bởi phải tuân thủ hợp đồng đã ký giữa hai bên. HLV Troussier được giao nhiệm vụ kiến tạo triết lý chơi bóng mới sau khi HLV Park Hang-seo chia tay. Muốn thế cần phải có nhiều thời gian, đặc biệt phục vụ tầm nhìn xa là giành vé dự World Cup. Do đó, trước những thất bại tại SEA Games 32 Campuchia, sự thất thường của hai đội tuyển quốc gia, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn phải kiên nhẫn. Tất nhiên, người hâm mộ không có sự lựa chọn.
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam đã phải trả giá không ít khi mời HLV ngoại về để đổi lại "trái đắng". Thậm chí, chia tay cũng chưa yên vì phải bồi thường hợp đồng với số tiền cực lớn. Chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào ý tưởng, kế hoạch huấn luyện của HLV ngoại, đánh mất tính chủ động và tính chế tài khi thầy ngoại có vấn đề. Những bài học đắt giá ấy xem ra vẫn còn nguyên vẹn qua bản hợp đồng với HLV Troussier.
Dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên Troussier, bóng đá Việt Nam tụt bậc trên bảng xếp hạng FIFA nhiều nhất. |
VFF đã quá tin tưởng vào bản lý lịch của HLV Troussier. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, trong các đời HLV trưởng, ông thầy người Pháp có thành tích tốt nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa sẽ thành công ở môi trường bóng đá Việt Nam. Chuyên môn chỉ là một trong các tiêu chí, trong khi sự hiểu biết bóng đá Việt, cầu thủ Việt đóng vai trò hết sức quan trọng. HLV Troussier đã thích nghi quá chậm với bóng đá Việt Nam. Từ đó, ông gây bất ổn trong việc chọn cầu thủ, triển khai lối chơi mới cho mấy thế hệ vốn đã quen triết lý của ông Park trong 5 năm qua.
Mặt khác, trong thất bại của ông Troussier có bóng dáng của chuyên môn học trò. Thế hệ “vàng” như Quang Hải, Hùng Dũng… đã suy giảm phong độ, trong khi các đàn em ít có những nhân tố kiệt xuất. Với chất liệu đó rất khó HLV nào có thể đưa hai đội tuyển bay xa.
Trở lại bài học sử dụng HLV ngoại, bất cứ lý do gì thì VFF cũng phải có khung pháp lý để kiểm soát được khi xảy ra sự bất thường. Chúng ta không thể biến các đội tuyển thành “vật thí nghiệm”, bất chấp giới chuyên môn và người hâm mộ phản ứng về “lỗ hổng” của HLV trưởng nhưng những người có trách nhiệm với nền bóng đá cứ “lờ” đi.
Rõ ràng, bóng đá Việt Nam đang bị một “cơn sang chấn” rất lớn. Khủng hoảng niềm tin đang thách thức VFF phải nhanh chóng đưa ra các quyết định sáng suốt và kịp thời nhất. Cấp bách hơn cả là phải chọn HLV nào phù hợp để tạm quyền dẫn dắt hai đội tuyển quốc gia, và rút ra được những bài học xương máu khi sử dụng thầy ngoại.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc