Multimedia Đọc Báo in

“Cú hích” phát triển thể thao Đắk Lắk

08:36, 27/03/2024

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 – 2025, thể thao tỉnh nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu phong trào TDTT khu vực.

Xác định thể thao là một trong những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, cải thiện sức khỏe, hình thành lối sống lành mạnh cho mọi người, cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm đến công tác này qua việc bố trí kinh phí, đầu tư xây dựng các thiết chế cho TDTT, cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân; đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức hệ thống các giải thể thao phong trào đa dạng, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đơn cử như huyện vùng sâu M’Drắk, dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2023 huyện đã đối ứng nguồn kinh phí 5 tỷ 250 triệu đồng để xây Trung tâm TDTT quy mô, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tập luyện các bộ môn có nhiều người tham gia tập luyện, rèn luyện sức khỏe là bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn.

Hội người cao tuổi TP. Buôn Ma Thuột đồng diễn thể dục.

Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay 100% huyện, thị xã, thành phố đều có các công trình TDTT cơ bản, sân vận động, nhà thi đấu; 100% xã, phường, thị trấn có sân tập bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn. Nhờ đó phong trào TDTT quần chúng phát triển sôi nổi, rộng khắp, hấp dẫn người dân ở mọi lứa tuổi, đối tượng tham gia tập luyện. Trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Võ Đình Đoài thông tin, tính đến nay tỷ lệ người tập luyện thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt 35,5%, “cán đích” trước thời hạn hơn hai năm so với kế hoạch; tỷ lệ gia đình tập luyện thể thao thường xuyên chiếm 19,9%, gần hoàn thành mục tiêu mà kế hoạch đưa ra là 20,7%.

Bên cạnh đó, các địa phương tích cực kêu gọi xã hội hóa TDTT tổ chức mỗi năm một hội thao, tạo cơ hội cho vận động viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và duy trì hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Ở cấp tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các liên đoàn, các hội, tổ chức nhiều giải đấu mở rộng, quy tụ đông đảo vận động viên các tỉnh bạn tham gia, giúp giải có tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng. Kết quả chỉ riêng năm 2023, Đắk Lắk đã tổ chức 31 giải quy mô cấp tỉnh, tăng 12 giải so với năm 2022 với nguồn kinh phí xã hội hóa gần 600 triệu đồng.

Chính từ nền móng xây dựng, phát triển thể thao phong trào đã tạo “bệ phóng” để thể thao thành tích cao của Đắk Lắk phát triển. Nhiều vận động viên các đội tuyển của tỉnh được phát hiện, tuyển chọn qua những giải thể thao phong trào để đầu tư trọng điểm, huấn luyện trở thành vận động viên chuyên nghiệp, đoạt nhiều tấm huy chương danh giá không chỉ ở đấu trường trong nước mà ở đấu trường Đông Nam Á, châu Á, giúp Đắk Lắk khẳng định được vị thế trên bản đồ thể thao nước nhà.

Có thể kể đến những gương mặt như Nguyễn Hoàng - nhà vô địch kick boxing SEA Games 32; hay xạ thủ Đinh Văn Tiến với 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc ở giải Bắn súng Đông Nam Á; hoặc đô cử Võ Thị Quỳnh Như đoạt 1 Huy chương Bạc tại giải cử tạ châu Á. Đắk Lắk cũng đóng góp cho nước nhà 11 vận động viên ở các đội tuyển. Ngoài ra còn có 19 vận động viên đạt kiện tướng quốc gia, 33 vận động viên cấp 1. Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ XII năm 2022, lực lượng vận động viên nòng cốt này đã đem về cho Đắk Lắk 13 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc và 15 Huy chương Đồng, để Đắk Lắk xếp 20/65 tỉnh, thành, ngành và xếp thứ 3/19 tỉnh miền núi. Riêng trong năm 2023 vừa qua, thể thao thành tích cao của Đắk Lắk đoạt đến 198 huy chương các loại, vượt 133 huy chương so với chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển TDTT tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 – 2025.

Đội tuyển kéo co Đắk Lắk tranh tài tại Giải vô địch kéo co quốc gia lần thứ XII.

Ở đấu trường khác là Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số khu vực II, với sự góp mặt tranh tài của 13 tỉnh phía Nam, tỉnh Đắk Lắk liên tục xếp vị trí thứ Nhất toàn đoàn ở các Hội thi lần thứ 11, 12 và 13.

Với những kết quả đã đạt được, Đắk Lắk tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư một cách tương xứng để lĩnh vực thể thao bứt phá, duy trì, nâng cao thành tích ở các đấu trường cũng như tích cực “chạy đua” cùng các tỉnh thành khác trong cả nước trong việc giành quyền đăng cai những giải thể thao cấp khu vực, trong nước và quốc tế vì đây được xem như “cơ hội vàng” để quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu cho ngân sách thông qua chuỗi hoạt động cung ứng dịch vụ lưu trú, tham quan…

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.