Multimedia Đọc Báo in

Thêm gắn kết gia đình từ sân chơi thể thao

08:23, 05/07/2024

Diễn ra trong không khí sôi nổi, vui tươi, Giải cầu lông, bóng bàn gia đình tỉnh năm 2024 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức thực sự là sân chơi bổ ích, gắn kết tình cảm gia đình.

Gia đình cùng trổ tài

Tham dự hội thi, gia đình anh Phạm Hồng Sơn và chị Cẩm Thủy (TP. Buôn Ma Thuột) cùng con trai Phạm Trần Bảo Thạch (15 tuổi), con gái Phạm Trần Bảo Ngọc (10 tuổi) đăng ký tranh tài ở môn bóng bàn, ở các nội dung: bố - con trai, bố - con gái, mẹ - con trai, mẹ - con gái. Anh hào hứng chia sẻ, ở giải năm trước gia đình anh cũng góp mặt, tuy không tiến sâu vào vòng trong nhưng không ai nản chí mà về động viên nhau tiếp tục luyện tập tích cực, hy vọng năm nay sẽ cải thiện thành tích.

Dù nội dung này có nhiều vận động viên đăng ký thi đấu và có trình độ chuyên môn tốt, nhưng gia đình anh đã có sự khởi đầu như ý, khi ở nội dung mẹ - con gái, chị Cẩm Thủy cùng cháu Bảo Ngọc mang về tấm Huy chương Đồng đầu tiên, tạo thêm động lực, hưng phấn, quyết tâm cho cả gia đình thi đấu ở các nội dung còn lại.

Đến nội dung bố - con gái, anh Hồng Sơn và cháu Bảo Ngọc xuất sắc đoạt Huy chương Vàng sau khi vượt qua cặp vận động viên Đặng Quốc Nam – Đặng Thị Thái Hòa trong một trận đấu mà hai bố con anh trình diễn những pha phối hợp cực kỳ ăn ý, chỉ có thể có được ở những đôi vận động viên cùng gắn bó, tập luyện với nhau trong thời gian dài. Niềm vui của gia đình anh Phạm Hồng Sơn cũng đong đầy, trọn vẹn hơn khi cả nhà còn giành thêm 2 Huy chương Bạc ở nội dung mẹ - con trai và bố - con trai.

Anh Phạm Hồng Sơn (bìa phải) cùng con gái thi đấu môn bóng bàn.

Đến với ngày hội thể thao của các gia đình, anh Nguyễn Kim Phước và chị Phạm Thị Thắm (TP. Buôn Ma Thuột) tranh tài ở môn cầu lông, nội dung vợ chồng. Lần thứ hai tham dự hội thi, đôi vợ chồng cùng sinh năm 1980 tự tin hơn, lần lượt vượt qua các đôi vận động viên khác để đi đến trận đấu cuối cùng, tranh chức vô địch.

Một chút thiếu chuẩn xác trong những đường cầu ở trận đấu quyết định trước đôi vận động viên Phạm Ngọc Thiện – Nguyễn Thị Hương của Liên đoàn Cầu lông tỉnh chỉ đem về cho vợ chồng anh tấm Huy chương Bạc. Tuy vậy, anh chị đều không lấy đó là phiền lòng, bởi cả hai vừa được trải nghiệm sân chơi bổ ích, đầy ắp tiếng cười, đong đầy hạnh phúc.

Lợi ích “kép” từ sân chơi gia đình

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019, sau một thời gian tạm gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giải thể thao gia đình lần này trở lại trong sự hưởng ứng, chào đón nhiệt tình của các gia đình với 250 vận động viên tham dự, tăng gần 50 vận động viên so với kỳ trước, điều đó cho thấy phong trào tập luyện thể thao trong các gia đình phát triển khá mạnh. Tại giải này, các vận động viên tranh tài ở 30 nội dung, gồm vợ - chồng, bố - con trai, bố - con gái, mẹ - con trai, mẹ - con gái thuộc các nhóm tuổi từ 40 trở xuống, 41 - 50 tuổi và 51 tuổi trở lên.

Đúng như tên gọi của giải, đối tượng tham dự trong mỗi đội đều là thành viên trong một gia đình, tạo nên một không khí rất đỗi ấm áp, gắn kết giữa các thành viên. Điều đó thể hiện qua những hình ảnh đong đầy tình cảm thương yêu, sự quan tâm lo lắng cho nhau: chồng vui vẻ động viên vợ khi đánh cầu, đánh bóng hỏng; mẹ an ủi, vỗ về “đồng đội” con gái, con trai khi trái bóng ra ngoài...

“Kể từ khi cùng vợ, hai con tập luyện thể thao, tôi cảm nhận mọi thành viên gắn kết, xích lại gần và hiểu nhau hơn rất nhiều. Nói nôm na, thể thao như một “phương tiện” giúp cả nhà vui hơn, khỏe hơn, giao tiếp cởi mở hơn sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng”, anh Phạm Hồng Sơn khẳng định.

Vận động viên thi đấu môn cầu lông, nội dung đôi vợ chồng.

Có thể nói, những gia đình thể thao như vậy đã thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao trong các gia đình nói riêng, thể thao nói chung trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Theo ông Võ Đình Đoài, Trưởng Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay tỷ lệ gia đình thể thao của Đắk Lắk đạt hơn 19%. Từ môi trường thể thao gia đình, các nhà chuyên môn, các tuyển trạch viên có dịp phát hiện ra những năng khiếu thể thao, bổ sung lực lượng cho thể thao thành tích cao tỉnh nhà để tổ chức đào tạo, huấn luyện, trở thành các vận động viên chuyên nghiệp.

Thành công ban đầu của Giải cầu lông, bóng bàn gia đình tỉnh cũng gợi mở hướng phát triển, mở rộng quy mô của giải. Ngoài hai môn cầu lông, bóng bàn, có thể phát triển thêm các môn thể thao phổ biến khác như bơi lội, điền kinh cũng như mở rộng, áp dụng thêm các nội dung, đôi anh - em trai, đôi chị - em gái, đôi chị - em trai…

Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.