Multimedia Đọc Báo in

Đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Đắk Lắk

21:10, 04/08/2021

Sở Công thương Đắk Lắk vừa có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh, thành trong cả nước về việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Theo Sở Công thương Đắk Lắk, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện chiếm 40% sản lượng nông sản của tỉnh nhưng đang bị ách tắc ở đầu ra. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân trên địa bàn.

Trong khi đó, hiện nay nhiều sản phẩm trái cây của tỉnh, trong đó có bơ, sầu riêng đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Dự kiến năm nay, sản lượng tăng đột biến do được mùa và diện tích thu hoạch tăng nhanh so với những năm trước.

Sầu riêng ở huyện Krông Pắc hiẹen đang khó đầu ra
Sầu riêng ở huyện Krông Pắc đang vào thời điểm thu hoạch. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, Sở Công thương Đắk Lắk đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố, siêu thị, trung tâm thương mại trên toàn quốc phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản của Đắk Lắk.

Cùng với đó, Sở Công thương Đắk Lắk cũng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh quan tâm, hỗ trợ người dân thu mua sầu riêng, bơ để kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại và tiêu thụ trong hệ thống của đơn vị trong toàn quốc.

Được biết, hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh gồm có 148 chợ truyền thống, 1 chợ đầu mối, 6 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và hệ thống cửa hàng tiện lợi. Thời gian qua, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cũng đã tích cực vào cuộc chung tay hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ sản phẩm như cam, dưa hấu…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.