Multimedia Đọc Báo in

Giữ "vàng" cho mai sau (kỳ cuối)

06:52, 30/08/2021

Kỳ cuối: Rừng xanh trả... ”nghĩa”

Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngày càng phát huy vai trò trong việc cải thiện môi sinh, môi trường, đồng thời rừng cũng tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập, giúp người dân sống gần rừng cải thiện cuộc sống.

Gần chục năm trở lại đây, từ khi việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đi vào cuộc sống, hàng nghìn người dân sinh sống xung quanh vùng đệm của Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin vốn trước đây sống phụ thuộc nhiều vào khai thác các sản vật từ rừng nay đã trở thành những “kiểm lâm” góp sức quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị này. Đổi lại, rừng cũng đã mang lại cho họ một khoản tiền không nhỏ từ công việc giữ rừng.

“Kho báu” từ dịch vụ môi trường rừng

Năm 2013, ông Y Khiêm Liêng (buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) cùng với 7 người khác trong buôn mạnh dạn nhận khoán quản lý, bảo vệ 199,8 ha rừng của VQG Chư Yang Sin. Cũng từ đó, ông thường xuyên cùng với lực lượng kiểm lâm Vườn đi tuần tra để ngăn chặn người dân xâm nhập vào rừng trái phép, các hành vi phá rừng khai thác lâm sản, săn bắn thú rừng.

Không chỉ vậy, ông còn nghe ngóng tình hình ở khu vực gần rừng, khi phát hiện có những dấu hiệu của việc xâm nhập vào rừng trái phép sẽ thông báo cho kiểm lâm Vườn cắt cử lực lượng kiểm tra, xử lý. Cuộc sống của gia đình ông cũng từng bước được cải thiện nhờ có thêm nguồn thu nhập từ việc giữ rừng.

Như năm 2020, ông Y Khiêm nhận được hơn 15 triệu đồng từ nguồn chi trả DVMTR, đây là số tiền lớn không dễ gì kiếm được ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Nhờ nguồn thu nhập này, trong những năm qua, gia đình ông có tiền mua phân bón để chăm sóc cây trồng, không còn cảnh phải đi vay tiền trả lãi để đầu tư như trước đây.

Những chuyến đi rừng cùng kiểm lâm Vườn đã giúp ông hiểu hơn vai trò của rừng với cuộc sống con người, chẳng hạn những dòng suối ngày ngày cung cấp nguồn nước sinh hoạt mát lành cho bà con trong buôn chính là nhờ những cánh rừng xanh chắt chiu, gìn giữ. “Mình luôn nhắc con cháu không được nghe lời kẻ xấu vào rừng chặt cây, săn thú. Thấy kẻ xấu chặt cây, săn thú thì phải báo cho kiểm lâm để ngăn chặn. Giữ được rừng thì gia đình mình bây giờ và thế hệ con cháu cũng có công ăn việc làm, nguồn thu nhập”, ông Y Khiêm tâm sự.

Kiểm lâm và người dân nhận khoán tham gia tuần tra bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Ảnh: Vạn Tiếp

Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, từ khi thực hiện chi trả DVMTR, hằng năm đơn vị tiến hành giao khoán hơn 40.000 ha rừng cho 176 nhóm hộ/1.475 hộ dân thuộc các huyện Krông Bông, Lắk và huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) để cùng quản lý, bảo vệ. Cái lợi ở đây là giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, còn đơn vị cũng được bổ sung hàng nghìn nhân lực phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm lâm luật.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa người dân vùng giáp ranh với Vườn trở nên khăng khít hơn, người dân trở thành “tai mắt” cho kiểm lâm, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm họ đều báo cho đơn vị để kịp thời ngăn chặn. “Điều quan trọng nhất là gắn được quyền lợi và trách nhiệm của người dân với việc giữ rừng. Từ đó giúp họ nhận thấy giá trị thực sự của rừng mang lại khi rừng được bảo vệ”, ông Nghĩa chia sẻ.

Nguồn thu từ DVMTR còn là "cứu cánh" cho các đơn vị khi họ gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar cho biết, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí để chi trả cho việc quản lý bảo vệ rừng. Chính vì vậy, nguồn thu từ DVMTR hằng năm gần 2 tỷ đồng là “chiếc phao cứu sinh” cho công ty trong thời gian qua để trang trải một phần tiền trả lương cho lực lượng giữ rừng của đơn vị.

“Với chủ trương xã hội hóa nghề rừng và phương châm “lấy rừng nuôi rừng; người làm nghề rừng sống được từ chính nghề rừng”, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện trên địa bàn tỉnh đã tạo nguồn thu quan trọng, phục vụ cho các kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng của tỉnh” - ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện nay có 216.906 ha rừng của 167 chủ rừng và UBND cấp xã được chi trả DVMTR (chiếm khoảng 42% tổng diện tích rừng toàn tỉnh). Trong đó, có 649 hộ, nhóm hộ, cộng đồng (khoảng gần 5.000 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, với diện tích được giao khoán là 105.687 ha, thu nhập bình quân mỗi hộ nhận khoán rừng khoảng 8,5 triệu đồng/năm. Nguồn thu tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2020 đạt 516,8 tỷ đồng và dự kiến năm 2021 là 78,7 tỷ đồng.

Làm giàu với… rừng trồng

Cùng với quản lý bảo vệ rừng, việc trồng rừng trong những năm qua cũng đã mang lại những nguồn lợi thiết thực, giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao kinh tế cho người dân.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc của huyện M’Drắk được phủ màu xanh của những rừng keo ngút ngàn. Rừng trồng đã và đang làm thay đổi bộ mặt của những vùng quê nghèo, mang lại thu nhập khá cho nhiều người dân địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Văn Điều (thôn 1, xã Cư Króa) có 10 ha đất đồi rừng trước đây chủ yếu trồng sắn, nhưng do đất bạc màu nên chi phí đầu tư cao mà không hiệu quả. Vào năm 2010, thấy nhiều hộ dân trên địa bàn trồng keo hiệu quả, ông Điều mạnh dạn bỏ cây sắn chuyển hết diện tích sang trồng keo lai.

“Thấy người ta trồng mình cũng bắt chước trồng theo nhưng không ngờ đất ở đây tuy bạc màu nhưng lại “kết” cây keo đến vậy. Năm đầu xuống giống, làm vài đợt cỏ, còn từ năm thứ hai cho đến khi thu hoạch thì chỉ cần phòng, chống cháy cho rừng vào mùa khô chứ không phải tốn thêm công gì cho rừng trồng nữa. Không như những loại cây trồng khác sau khi xuống giống phải phun hết thuốc này đến thuốc nọ để phòng, chống sâu bệnh, còn đối với cây keo lai thì tuyệt nhiên không, cả chu kỳ 5 năm chẳng phải tốn một đồng tiền thuốc”, ông Điều chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Điều (thôn 1, xã Cư Króa, huyện M'Drắk) chăm sóc vườn keo của gia đình. Ảnh: Vạn Tiếp

Cũng theo tính toán của ông Điều, về hiệu quả kinh tế cũng hiếm có loại cây nào trên vùng đất này bì kịp cây keo lai. Với chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng/ha cho một chu kỳ 5 năm, khi thu hoạch sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha. Việc mua bán gỗ rừng trồng cũng rất thuận tiện, thương lái vào mua luôn cả vườn, người trồng chỉ việc thỏa thuận giá bán và lấy tiền, còn việc thu hoạch, vận chuyển, thương lái tự lo. Với 10 ha rừng trồng thu hoạch hằng năm theo kiểu gối đầu (mỗi năm khoảng 2 ha) cũng cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Chính nhờ trồng keo lai mà kinh tế gia đình ông đã trở nên khá giả, xây được nhà khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi đắt tiền.

Cũng như nhiều người dân ở huyện M’Drắk, thấy trồng keo lai hiệu quả, gia đình ông Y Man Niê (thôn 3, xã Ea Trang) đã chuyển đổi 3 ha đất trên đồi cao đang trồng các loại cây khác không hiệu quả sang trồng keo. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên cây keo phát triển nhanh, cho năng suất cao, giá cả gỗ rừng trồng ổn định đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống trở nên khấm khá hơn. Từ khi trồng keo đến nay, bình quân mỗi năm ông thu lãi được khoảng 50 triệu đồng, số tiền mà những cây trồng khác khó lòng đạt được. Bên cạnh đó, trong hai năm đầu trồng keo, ông vẫn có thể trồng xen thêm cây sắn để tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống trong những năm đầu chờ rừng trồng đến chu kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Drắk cho biết, địa phương có nhiều diện đất đồi núi, bạc màu, rất khó để phát triển nông nghiệp. Để tạo hướng đột phá trong phát triển kinh tế địa phương, Đảng bộ, chính quyền huyện M’Drắk xác định phát triển trồng rừng thành một ngành kinh tế quan trọng. Chủ trương phát triển ngành lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng nguyên liệu nhanh chóng được các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn ủng hộ. Hầu hết các diện tích đất trống, đồi núi trọc trước đây trồng các loại cây nông nghiệp không hiệu quả đã chuyển sang trồng rừng. Tính đến nay, toàn huyện  có 24.428 ha rừng trồng, sản lượng gỗ khai thác hằng năm hơn 100.000 m3.

Không chỉ huyện M’Drắk, toàn tỉnh hiện có 70.829 ha rừng trồng của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Những diện tích rừng trồng đang phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường tự nhiên và tăng độ che phủ rừng của địa phương.

Minh Thông - Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.