Multimedia Đọc Báo in

Chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ

19:04, 06/10/2021

Ngày 6-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, yêu cầu chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão. Trong những ngày tới do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh mạnh có khả năng gây ra các đợt mưa rất lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đây là khu vực đã liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn thời gian vừa qua, nhất là do ảnh hưởng của bão số 5, số 6 nên nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, ngập lụt diện rộng tại các vùng trũng thấp, ven sông, suối, lũ ống, lũ quét, sạt lở tại khu vực miền núi, nguy cơ mất an toàn hồ đập.

ảnh
Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông. (Nguồn: chinhphu.vn)

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức bảo đảm an toàn trên đất liền, gồm: rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để bảo đảm an toàn, đồng thời phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt, cô lập các khu vực.

Các địa phương triển khai biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thuỷ điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống. Triển khai hoạt động lực lượng xung kích tại cơ sở; kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Đồng thời, chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và truyền thông cơ sở tăng cường thông tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân, nhất là tại các thôn, bản. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020 để kịp thời triển khai công tác sơ tán dân cư, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 1107/CĐ-TTg, ngày 31-8-2021 và Văn bản số 1100/TTg-NN, ngày 23-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.