Multimedia Đọc Báo in

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn thấp

17:36, 29/10/2021

Ngày 29-10, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 của tỉnh (Đoàn kiểm tra số 2038) đã tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện CCHC đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) theo hình thức trực tuyến.

Qua kiểm tra tài liệu kiểm chứng và trao đổi, tìm hiểu, Đoàn kiểm tra đánh giá: Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được Sở LĐ TB&XH thực hiện thường xuyên. Tổ chức bộ máy của Sở tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của công việc. Cải cách tài chính công đã được thực hiện đồng bộ và toàn diện, trong đó đẩy mạnh việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp, triển khai khoán chi cho đơn vị quản lý nhà nước.

Kiểm tra CCHC đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội theo hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)
Kiểm tra CCHC đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 ngày càng được đẩy mạnh và thu được kết quả tích cực. Tình hình triển khai và kết quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại tại Sở đạt hiệu quả. Từ 1-1-2020 đến 30-4-2021 (thời điểm kiểm tra), đơn vị đã tiếp nhận 393 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC); đã giải quyết 287 hồ sơ; giải quyết 380 hồ sơ trước hạn; 7 hồ sơ đúng hạn; không có hồ sơ quá hạn…

Đoàn kiểm tra 2038 cũng nêu rõ một số hạn chế trong thực hiện CCHC tại Sở LĐTB&XH: Chỉ số CCHC của đơn vị năm 2020 xếp hạng 9/18 sở, ban, ngành (giảm 1 bậc so với năm 2019). Tuy nhiên so với kết quả Chỉ số CCHC tốt nhất của Sở là năm 2016 thì đã hạ 8 bậc (năm 2016 xếp thứ 1/18 sở, ban, ngành).

Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Đoàn kiểm tra 2038 phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh chụp màn hình)
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng Đoàn kiểm tra 2038 phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh chụp màn hình)

Trong năm 2020, Sở chưa có sáng kiến CCHC được công nhận và áp dụng rộng rãi; chưa có báo cáo xử lý khắc phục sau kiểm tra CCHC tại các đơn vị thuộc Sở năm 2020. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp năm 2020 về chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính của Sở thông qua điều tra xã hội học chưa đạt 90% (chỉ đạt 81,67%, còn thấp trên địa bàn tỉnh). Tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3 chưa đạt 40%, mức độ 4 chưa đạt 30% theo quy định...

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Đoàn kiểm tra 2038 đề nghị Sở LĐTB&XH rà soát những kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, tồn tại trong công tác CCHC của Sở. Trên cơ sở đó, xây dựng và thực hiện Kế hoạch cải thiện Chỉ số CCHC năm 2021 để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương tham mưu dự thảo Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quyết định dự kiến trình trong năm 2021 như Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk… Bên cạnh đó, Sở cần tăng cường tìm kiếm, thực hiện các sáng kiến, giải pháp CCHC; chú trọng tiến độ và triển khai thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao về CCHC…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.