Multimedia Đọc Báo in

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đủ điều kiện khai thác chuyến bay quốc tế không thường lệ

11:18, 19/12/2021

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh về đề nghị đầu tư nâng cấp Cảng hàng không (CHK) Buôn Ma Thuột thành CHK quốc tế.

CHK Buôn Ma Thuột có cấp sân bay 4C theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với 5 vị trí đỗ máy bay; nhà ga hành khách đáp ứng công suất khai thác 2 triệu hành khách/năm (tương đương 800 hành khách/giờ cao điểm). Với cấu hình nêu trên, CHK Buôn Ma Thuột hoàn toàn đáp ứng khai thác các loại tàu bay code C (như A320, A321, B767 và tương đương).

Về quy hoạch, vừa qua Bộ GTVT đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó CHK Buôn Ma Thuột được hoạch định là CHK quốc nội. Quá trình nghiên cứu xây dựng Quy hoạch đã xây dựng định hướng chuyển CHK quốc nội thành CHK quốc tế.

Hành khách lên máy bay tại Sân bay Buôn Ma Thuột.
Hành khách lên máy bay tại Sân bay Buôn Ma Thuột.

Như vậy, căn cứ theo định hướng quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng hiện tại, CHK Buôn Ma Thuột có thể khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ (theo Điều 80 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam), phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trước mắt, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, kêu gọi các hãng hàng không khai thác chuyến bay quốc tế không thường lệ đi, đến CHK Buôn Ma Thuột nhằm mục đích khảo sát, đánh giá và phát triển thị trường bay quốc tế.

Sau thời gian khai thác chuyến bay quốc tế không thường lệ, nếu tần suất các chuyến bay quốc tế tăng cao và nhu cầu khai thác ổn định (trung bình khoảng 3 đến 5 chuyến/tuần, tương đương khoảng 30 – 40 nghìn hành khách quốc tế/năm), BGTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển CHK Buôn Ma Thuột thành CHK quốc tế.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.