Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 3 HĐND huyện Krông Năng khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

18:30, 29/12/2021

Ngày 29/12, HĐND huyện Krông Năng khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ Ba để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN) năm 2021; đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và xem xét nhiều nội dung quan trọng khác.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó kiểm soát, nhưng với nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, huyện có 8/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, 4 chỉ tiêu cơ bản đạt và 3 chỉ tiêu không đạt.

1
Bí thư Huyện ủy Krông Năng Nguyễn Thị Thu An phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp.

Cụ thể, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.986 tỷ đồng; thu cân đối ngân sách Nhà nước 78 tỷ đồng (đạt 127% dự toán tỉnh giao); tổng diện tích các loại cây trồng ước đạt 54.101 ha/53.070 ha (đạt 101,94%); tạo việc làm mới cho khoảng 2.000 lao động; tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,1%. Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2021, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn; bình quân đạt 16,36 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí…

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, huyện đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và huy động toàn thể cộng đồng tích cực chung tay phòng, chống dịch. Tính đến ngày 29/12, toàn huyện ghi nhận 363 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt  98% (mũi 1), 93% (mũi 2); có 5.508 trẻ từ 15-17 tuổi được tiêm mũi 1 và 7.943 trẻ từ 12-14 tuổi tiêm mũi 1...

Năm 2022, huyện đề ra mục tiêu tổng quát là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời tập trung mọi nguồn lực, cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH. Trong đó, phấn đấu đạt một số chỉ tiêu: Tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt từ 6-7%; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.144 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 172,457 tỷ đồng; bảo đảm nước tưới cho 80% diện tích cây trồng; cải tạo, nâng cấp nhựa hóa, cứng hóa đường xã đạt 70-72%; tạo việc làm mới cho khoảng 2.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 2%; phấn đấu xây dựng nông thôn mới đạt 16,6 tiêu chí/xã…

1
Các đại biểu tham dự Kỳ họp.

Tại kỳ họp, các đại biểu được nghe các báo cáo, tờ trình của các cơ quan chức năng của huyện; tiến hành chất vấn và trả lời chất các vấn đề mà cử tri quan tâm. Đồng thời, xem xét, thông qua tờ trình, Dự thảo Nghị quyết về dự toán và phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; tờ trình, Dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trên địa bàn; tờ trình về việc thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tờ trình về việc đề nghị thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030; tờ trình, Dự thảo Nghị quyết về việc Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện…

Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Thu An biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; quyết liệt thực hiện khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh…

Bên cạnh đó, HĐND huyện thường xuyên gặp gỡ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, qua đó giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề cử tri quan tâm; các đại biểu HĐND phát huy trí tuệ, năng lực, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để phân tích, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế về thực hiện nhiệm vụ năm 2021 để có hướng khắc phục trong năm 2022.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.