Lời giải nào cho "bài toán" thu hồi tài sản tham nhũng?
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Một trong những vấn đề được cử tri quan tâm, gửi nhiều kiến nghị, đó là công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác PCTN có bước tiến mạnh mẽ. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Điều đó cho thấy việc chống tham nhũng không có “vùng cấm”.
Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác PCTN hiện nay.
Báo cáo của ngành tư pháp cho biết, đến cuối năm 2021, thu hồi được hơn 4.000 tỷ đồng tiền thiệt hại từ các vụ án tham nhũng, sai phạm về kinh tế tại nhiều vụ án lớn trên cả nước. Con số này quá thấp so với tổng số tiền phải thi hành từ các án tham nhũng là hơn 72.000 tỷ đồng. Bao giờ thì con số 68.000 tỷ đồng còn lại mới được thu hồi? Đây quả là "bài toán" quá khó và không biết bao giờ mới giải xong.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Mới đây nhất, đại án Công ty Việt Á đã vi phạm pháp luật trong việc cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Bộ Công an đã làm việc "xuyên Tết, xuyên COVID-19" để điều tra, làm rõ các hành vi có liên quan. Tính đến nay, mới chỉ thu được hơn 1.600 tỷ đồng. Như thế là rất đáng ngợi khen, nếu nhìn vào tiến độ và kết quả chung của công tác này.
Rất nhiều nguyên nhân khiến cho việc thu hồi tài sản tham nhũng bị “nghẽn”, với đủ lý do, trong đó bị cáo kịp thời tẩu tán tài sản là phổ biến. Do đó, cần cơ chế mới để ngăn chặn thất thoát diện rộng với loại tội phạm này. Tuy nhiên, đấy là các biện pháp mang tính cơ học “cứng”, còn “mềm” phải là xây dựng môi trường chung để tham nhũng, tiêu cực không có đất “nảy mầm”. Trong cuộc làm việc với TP. Đà Nẵng gần đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết đang hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ “không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng”. "Có đồng chí bảo tăng lương để cán bộ không tham nhũng. Thực ra không phải như vậy, những nước có thu nhập rất cao cũng vẫn có tham nhũng. Trong thực tế khi xử lý cán bộ và giải quyết các vụ án liên quan đến tham nhũng thì những cán bộ tham nhũng không phải do nghèo khó, thậm chí là có điều kiện sống tốt hơn nhiều cán bộ khác nhưng vẫn tham nhũng" – đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết.
Việc “đánh” mạnh vào tiêu cực và nhiều cán bộ cao cấp phải vào “lò” được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy vậy, những “con sâu” chắc chắn sẽ ngày càng “tiến hóa” để biết cách tẩu tán tài sản một cách tinh vi nhất, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Bất luận thế nào thì công tác thu hồi tài sản tham nhũng cần phải đạt hiệu quả hơn, để tỷ lệ thuận với quyết tâm chống tiêu cực của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua. Giải quyết được vấn đề này chắc chắn niềm tin của người dân sẽ tăng, tạo một lực đẩy lớn cho đất nước.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc