Multimedia Đọc Báo in

Truyền thông công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam

12:38, 11/07/2022

Ngày 11/7, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức “Tọa đàm Truyền thông về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam”.

Tham dự có lãnh đạo các ban ngành có liên quan, đại diện các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê từ ENV, tỉnh Đắk Lắk là một trong những điểm nóng về tình trạng mua, bán lẻ các sản phẩm ngà voi. Với đặc thù là nơi phân bố của quần thể voi lớn nhất của Việt Nam và thường tổ chức các hoạt động du lịch gắn liền với voi nên khách du lịch Việt Nam và Châu Á có xu hướng mua bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi tại đây mà không biết đến những hậu quả pháp lý đáng tiếc có thể xảy ra nếu thực hiện hoạt động này.

a
Quang cảnh buổi tọa đàm. 

Được biết, trong 5 năm trở lại đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành bắt giữ và xử lý 144 vụ vi phạm các quy định về săn bắn, mua bán trái phép động vật rừng tịch thu 197 cá thể, trọng lượng 949 kg. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, xử lý 5 vụ vi phạm động vật rừng, trong đó động vật rừng tịch thu 17 cá thể, trọng lượng 63 kg.

Trong 6 tháng đầu năm 2022 Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý động vật rừng để cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên gồm 8 cá thể trong đó có 1 cá thể tê tê, 1 cá thể voọc bạc Đông Dương, 6 cá thể khỉ đuôi lợn; năm 2020 cứu hộ 14 cá thể; năm 2021 cứu hộ 18 cá thể…

b
Đại biểu phát biểu về công tác xử lý tội phạm về ĐVHD tại địa bàn. 

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cơ quan chức năng trên cả nước vẫn tiếp tục nỗ lực đấu tranh với tội phạm về ĐVHD và xử lý hiệu quả các đối tượng buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép. Trong những năm gần đây, số lượng các vụ án hình sự có đối tượng bị bắt giữ vẫn tiếp tục gia tăng, tỷ lệ số vụ án được đưa ra xét xử cũng đạt ở mức đáng kể. Đặc biệt, một số đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD trái phép đã phải đối mặt với những hình phạt thích đáng, đáp ứng được mục tiêu răn đe và phòng ngừa tội phạm về ĐVHD.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho hay, để bảo vệ ĐVHD, ENV đã thực hiện các công tác truyền thông như liên kết với các kênh thông tin, truyền thông tại địa phương; làm trên 60 phim ngắn tuyên truyền; đường giây nóng bảo vệ ĐVHD 18001522; phối hợp với các công ty du lịch, điểm du lịch đặt các pano, áp phích tuyên truyền bảo vệ ĐVHD; thành lập câu lạc bộ Tình nguyện viên ENV Buôn Ma Thuột để góp phần ngăn chặn cộng đồng không sử dụng các sản phẩm từ ngà voi, động vật hoang dã khác…

Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.