Multimedia Đọc Báo in

Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

14:22, 30/09/2022

Ngày 30/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương và Bến Tre đã có buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. 

Tại buổi tọa đàm, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm 5 tỉnh đã trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị cũng như thực hiện một số nhiệm vụ khác của Trung tâm, như: tư vấn về học nghề; giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cung ứng lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm; đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật.

Các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm
Các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm.

Chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm đã được triển khai từ đầu năm 2015. Trung bình mỗi năm, các Trung tâm Dịch vụ việc làm của 5 tỉnh tham gia buổi tọa đàm tiếp nhận vài chục nghìn hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; trong đó 100% người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong số này, nhiều người đã tìm được việc làm. Đây là con số đáng ghi nhận.

Trong số 5 Trung tâm Dịch vụ việc làm tham gia buổi tọa đàm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tự chủ tài chính 100% từ tháng 7/2022. Việc tự chủ tài chính có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn đòi hỏi lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm phải năng động, nhạy bén, liên kết với doanh nghiệp để cung cấp tốt các dịch vụ nhằm tăng nguồn thu cho đơn vị.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó tập trung trao đổi nhiều về định suất lao động thực hiện nhiệm vụ bảo hiểm thất nghiệp. Những định suất lao động này không được công nhận là viên chức nên quyền lợi, chế độ ít nhiều bị thiệt thòi....

Hoàng Lê 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.