Multimedia Đọc Báo in

"4 không, 4 dám": Đảng mạnh dân tin (Kỳ cuối)

06:12, 30/09/2022

Kỳ cuối: "Mở đường" khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng về cán bộ được coi là “rường cột”, trong đó chủ trương bảo vệ cán bộ “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám đột phá”, “dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung” là một trong những đổi mới, đột phá hiện nay. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã phỏng vấn PGS. TS NGUYỄN QUỐC DŨNG - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II để làm rõ thêm nội dung này.

PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II (Ảnh do nhân vật cung cấp).

* Ngay sau khi Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được ban hành, dư luận xã hội, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, nhiều tổ chức xã hội bày tỏ sự tin tưởng rất cao vào chủ trương kịp thời này. Thưa PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng, làm thế nào để Kết luận được thực thi trong thực tiễn công tác cán bộ hiện nay?

- Qua cuộc “đại chỉnh đốn” chưa từng có trong lịch sử của Đảng ta mà quyết liệt nhất là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đã từng bước thanh lọc Đảng, hệ thống chính trị. Cùng với việc kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách, Đảng ta cũng đặc biệt chú trọng khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị được ví như “luồng gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, sáng tạo cũng như ý chí phấn đấu, sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để cán bộ “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám đột phá”, “dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung”, có những việc bắt buộc phải  “xé rào”. Những việc “đi trước, đón đầu” sẽ vượt quá tầm nhận thức của số đông. Trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta qua các giai đoạn phát triển của đất nước, vẫn có nhiều cán bộ “xé rào” nhưng vẫn được nhân dân kính trọng, yêu mến, được Đảng, Nhà nước ghi nhận thành tích, công lao. Đó là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968 với những đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp. Đó là Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Đó là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với “những việc cần làm ngay” đã đưa ra chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển. Đặc biệt, những quyết định “xé rào, bung ra” để đi tới của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt. Từ trong thực tiễn đã và luôn xuất hiện những cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà còn phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, luôn sáng tạo trong từng suy nghĩ và việc làm, “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám đột phá”, “dám đương đầu với khó khăn, thử thách" vì lợi ích chung của nhân dân. Những việc làm của những người cán bộ ấy được soi rọi bằng cái tâm trong sáng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân và đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân, quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn Kwăng A (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) Y Khê Ayun phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Kết luận 14 ban hành cho thấy chính sách của Đảng luôn nhất quán quan điểm công - tội phân minh nhưng không ngăn cản sáng tạo, đổi mới. Kết luận ra đời rất kịp thời khi tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, an phận thủ thường đang ngự trị ở trong không ít các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Kết luận số 14-KL/TW  đã “mở đường” cho một định hướng tư duy mới để thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần "4 dám" trong toàn bộ nền quản trị của đất nước. Tuy nhiên, để có đội ngũ cán bộ “4 dám” thì cần phải nhanh chóng thể chế hóa kết luận này, bảo đảm hành lang pháp lý an toàn để cán bộ đột phá, bứt phá. Tức là những tư tưởng cơ bản của Kết luận phải được cụ thể hóa trong hoạt động lập pháp của Nhà nước. Bên cạnh đó, khi đánh giá cán bộ phải rất nên công tâm, nên đề cao những người tiên phong mở đường, kể cả người đó chưa có thành quả cụ thể nhưng mở ra triển vọng mới. Trong sử dụng cán bộ chú trọng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo; đề cao cán bộ biết đưa ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn cụ thể.

* Là chủ trương “mở đường” thúc đẩy sự sáng tạo, đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển của đất nước, xin PGS cho biết kết luận này thể hiện bước tiến như thế nào trong công tác cán cán bộ của Đảng ta?

- Trước khi có Kết luận số 14, Nghị quyết số 05-NQ/HNTW ngày 20/6/1988, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã khẳng định: "Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là “mắt xích” quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”. Và “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” được Đảng xác định là một trong hệ tiêu chuẩn nhưng cũng là một trong những phẩm chất cần phải có của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ - Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã chỉ rõ: “phải tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Đến Đại hội XIII, báo cáo đánh giá công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XII tại Đại hội XIII đã nhấn mạnh yêu cầu cần phải “có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Từ khuyến khích, đề ra yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" đến yêu cầu cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" là một bước tiến. Đặc biệt, Kết luận 14 yêu cầu cần phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” chính là sự đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

* Là một trong những phương thức lãnh đạo được Đảng đề cao, PGS suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa, vai trò “nêu gương” của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu hiện nay, mối liên hệ giữa nêu gương và "4 dám" trong công tác cán bộ của Đảng?

-  Nhân dân hiểu về Đảng, nhìn thấy uy tín của Đảng, tôn trọng Đảng ta qua tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Cho nên người đảng viên là hình ảnh của Đảng ta. Trong các bài nói, bài viết của mình, rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương”. Điều đó cho thấy, Người rất coi trọng việc “nêu gương”, “làm gương” của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân trong xã hội. Khi nhắc đến đối tượng nêu gương, Người đặc biệt nhấn mạnh sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Để trở thành người cách mạng chân chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải là những “đầu tầu gương mẫu”, nêu gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Rõ ràng từ thực tiễn, ở bất kỳ tổ chức, cơ quan, đơn vị nào mà người đứng đầu tiên phong trong thực hành đạo đức cách mạng, nêu gương trong thực hành dân chủ, thực thi nhiệm vụ, nêu gương trong bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực thì đảng bộ đó phát triển. Việc nêu gương thể hiện trên các mặt: Giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, không sa ngã, chệch hướng và gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chính nêu gương sẽ góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính nêu gương sẽ làm cho cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

* Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng!

Lê Hương - Nguyễn  Xuân - Duy Tiến  thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.