Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm việc tại Đắk Lắk

15:04, 18/10/2022

Sáng 18/10, Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389) do Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trịnh Mạnh Cường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh về tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng của năm 2022.  

9 tháng của 2022, trong bối cảnh nền kinh tế duy trì đà phục hồi, hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, thị trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cơ bản ổn định, hàng hóa trên thị trường đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.

Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, giám sát thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá bất hợp lý, tác động xấu đến thị trường. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh; duy trì thường xuyên công tác phối hợp, trao đổi thông tin và triển khai thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Quang cảnh buổi làm việc
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

9 tháng của năm 2022, các ngành chức năng của tỉnh đã xử lý 2.224 vụ vi phạm. Đáng chú ý, có 15 vụ xử lý hình sự với 21 đối tượng. Tổng số tiền thu qua xử lý hơn 92,5 tỷ đồng; trong đó phạt hành chính hơn 25,5 tỷ đồng, phạt bổ sung và truy thu gần 66,5 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 526,19 triệu đồng. Hàng hóa tạm giữ, tịch thu chủ yếu, gồm: 780,62 m3 gỗ các loại, 503,03 kg pháo nổ, 3.089 quần áo, 522 đôi giày dép các loại, 4.068 sản phẩm mỹ phẩm, 89.502 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, hơn 27.000 bao thuốc lá điếu các loại, 645 bao phân bón...

Riêng ở lĩnh vực xăng dầu, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng hết xăng, dầu trong một số thời gian nhất định do các thương nhân phân phối không nhập được hàng hóa từ thương nhân đầu mối hoặc không cung cấp đầy đủ và kịp thời cho các đại lý.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song theo Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, như: Thủ đoạn vi phạm pháp luật của các đối tượng ngày càng tinh vi phức tạp; lực lượng chức năng mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từ đó gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm; hiện chưa có công cụ, phương tiện tiên tiến phục vụ công tác kiểm tra cho các cơ quan chức năng…

đồng chí Trịnh Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Trịnh Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã kiến nghị một số nội dung: bổ sung thẩm quyền lấy mẫu chất lượng hàng hóa (đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu) cho lực lượng quản lý thị trường; cần quy định cụ thể, rõ ràng việc giải quyết khiếu nại về chất lượng phân bón.

Đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia hướng dẫn quy trình kiểm tra đối với Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh; xây dựng biểu mẫu chung cho Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh và bổ sung thẩm quyền của Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; bổ sung kinh phí cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử, hàng đa cấp và sở hữu trí tuệ...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trịnh Mạnh Cường đã trao đổi một số nội dung để nâng cao hơn nữa hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, đồng chí cho biết, Đoàn Công tác sẽ tổng hợp, tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xem xét, giải quyết.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.