Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa
Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xem một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các quyết sách của Quốc hội cần sát với tình hình thực tế ở trong nước và thế giới, trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc.
Tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức mới đây, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, việc huy động bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Các nghệ nhân tham gia biểu diễn tại Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7. Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Trong bài tham luận “Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số: thực trạng và giải pháp”, ông Y Thanh Hà Niê Kdăm (Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) đã nhận diện một số thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay. Đó là: (1) Sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người; (2) Quá trình tiếp biến văn hóa đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng/không lành mạnh trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở giới trẻ; (3) Yêu cầu về việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế; (4) Cùng với việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong quá trình hội nhập thì vấn đề kiến tạo sự gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi cũng cần được đặt ra. Việc hoạch định các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa còn biểu hiện của tư duy áp đặt, chung chung chưa phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc; (5) Công tác thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Báo cáo này cũng nhấn mạnh giải pháp cần ưu tiên xây dựng Chiến lược tổng thể về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đặc sắc đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Trong đó, đáng chú ý là chính sách đặc biệt trong bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo như diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên, múa xòe dân tộc Thái, hát then, đàn tính dân tộc Tày, múa/sân khấu dân tộc Chăm…
Báo cáo khoa học “Chính sách và nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Đắk Lắk” của UBND tỉnh Đắk Lắk là tham luận đại diện cho các tỉnh Tây Nguyên tham dự hội thảo. Báo cáo cho biết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý các hoạt động bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu là nhiệm vụ quan trọng của địa phương trong thời gian tới đây. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk xây dựng các giải pháp sau đây: (1) Tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội; (2) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (3) Cải cách hành chính; (4) Phát triển nguồn nhân lực di sản văn hóa; (5) Hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ; (6) Huy động các nguồn lực. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước – doanh nghiệp và cộng đồng địa phương với phương châm cơ bản: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả được xem là giải pháp mạnh mẽ mà báo cáo này đề xuất.
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và làm sâu sắc hơn các vấn đề: (1) Bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa; (2) Đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch các dự án đầu tư, phát triển văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương; (3) Chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa; (4) Chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Hy vọng rằng, khi các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn cùng nhau thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thì trong thời gian tới đây, việc huy động, khơi thông và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực sẽ tạo ra những phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc