Multimedia Đọc Báo in

Giữ gốc rễ sâu bền của Tây Nguyên (kỳ 2)

05:34, 25/09/2024

Kỳ 2: Dập tắt ảo vọng

Năm 1992, tổ chức FULRO tuy đã bị phá rã nhưng Tây Nguyên vẫn là địa bàn bị chống phá, chịu ảnh hưởng, tác động lớn của chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Các thế lực thù địch bên ngoài không ngừng móc nối, liên lạc với các đối tượng trong nước, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dùng vỏ bọc tôn giáo để tập trung lực lượng chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Phương thức, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin, viễn thông ngày một phát triển.

Ngày 29/6/1992, Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ra Nghị quyết số 03-NQ/HNTW về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chống “diễn biến hòa bình”. Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu.

Vạch trần mưu đồ “Nhà nước Đêga tự trị”

Với ảo vọng điên cuồng, năm 2000, bọn cầm đầu FULRO lưu vong ở nước ngoài tăng cường hoạt động móc nối, lôi kéo, tập hợp lực lượng, phục hồi tổ chức FULRO với ý đồ thành lập “Nhà nước Đêga tự trị” ở Tây Nguyên do Ksơr Kơk cầm đầu.

Chúng mị dân rằng tổ chức FULRO và người cầm đầu, lãnh đạo FULRO được quốc tế công nhận, ủng hộ, giúp đỡ để lãnh đạo Tây Nguyên tự trị.

Chúng còn hình thành bộ khung, phong chức cho những người hoạt động tích cực, hứa hẹn ai đóng góp tiền của, nuôi giấu FULRO khi thành công sẽ được thưởng, được trả công nhiều hơn. Không chỉ xây dựng bộ khung tổ chức nhà nước mà còn xây dựng bộ khung tổ chức tôn giáo như “Tin lành Đêga”, “tà đạo Hà Mòn”…

Các bộ khung tổ chức này trực tiếp nhận chỉ đạo từ bên ngoài, tổ chức, lôi kéo người dân đi biểu tình, bạo loạn.

Trong số các đối tượng tích cực lôi kéo người dân tham gia biểu tình bạo loạn năm 2001 có Siu Un (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai).

Lần lại ký ức hơn 24 năm trước, Siu Un kể, ông được các đối tượng lưu vong ở nước ngoài như Ksơr Kơk, Rah Lan Nglol phong làm người phụ trách cả huyện Ayun Pa (nay gồm thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện), hoạt động sang cả Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk).

Chúng “mị” ông bằng luận điệu càng hoạt động tích cực thì sau này chức vụ sẽ càng cao, nếu có bị bắt cũng chỉ bị giam giữ một vài tháng, cao lắm là 3 tháng sẽ có Liên hiệp quốc giải thoát ngay trong tù.

Ông Siu Un ở xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai kể về những tháng ngày lầm lỡ khi bị lôi kéo, xúi giục.

Siu Un tin vào “bánh vẽ” của cái gọi là “Nhà nước Đêga” đến nỗi khi bị đưa ra xét xử vào cuối năm 2001 với tổng hình phạt 16 năm tù - cao nhất trong số các đối tượng cầm đầu, cốt cán kích động biểu tình, bạo loạn thì ông vẫn tin sẽ nhanh chóng được “giải cứu”. Một năm, hai năm, rồi ba năm ôm ảo mộng, ông dần tỉnh ngộ, nhận ra tất cả chỉ là lừa dối. Ngoài vợ con đến thăm, cán bộ trại giam động viên, giáo dục thì tuyệt nhiên chẳng còn ai quan tâm đến Siu Un… Thấy cảnh vợ con vất vả, ông quyết tâm cải tạo thật tốt và đã được Đảng và Nhà nước khoan hồng, giảm thời gian cải tạo 1 năm so với bản án.

Ông Siu Un chia sẻ, trở về địa phương, được cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên và có những chính sách hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế. Từ đó, bản thân càng hiểu rõ về cái “bánh vẽ” mà bọn phản động FULRO lưu vong đưa ra khiến gia đình mình và nhiều người khác vì lầm lỡ tin theo mà phải vướng vòng lao lý.

Chính sự trợ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể đã giúp Siu Un vượt qua mặc cảm lầm lỗi. Sau hai năm được Chi hội Tin lành truyền giáo Cơ đốc xã Ia Hiao (huyện Phú Thiện) tiếp nhận về sinh hoạt tại Chi hội Tin lành Sô Ma Hang, ông đã trở thành thành viên tích cực trong công tác vận động người dân từ bỏ "Tin lành Đêga", quay về tham gia sinh hoạt trong tôn giáo thuần túy.

 

“Là địa bàn chiến lược, giữ vị trí trọng yếu trong quốc phòng, an ninh và sự phát triển bền vững của quốc gia, Tây Nguyên vì vậy luôn nằm trong “tầm ngắm” của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Các thế lực thù địch vẫn luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòng làm cho Tây Nguyên bất ổn, chống phá cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, Tây Nguyên luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo toàn diện và đang ngày một ổn định, vững vàng phát triển" - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, Bộ Công an.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên khẳng định: Cái gọi là “Nhà nước Đêga”, “Tin lành Đêga” thực chất là do bọn FULRO lưu vong được hà hơi, tiếp sức từ các thế lực thù địch, phản động bên ngoài dựng lên.

Âm mưu, hoạt động của chúng hiện nay một mặt tập trung tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm kích động, gieo rắc tư tưởng ly khai, tự trị, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Việt Nam; mặt khác, móc nối, tổ chức biểu tình và cao hơn là tiến hành bạo loạn chính trị, hòng tạo cớ để kẻ thù bên ngoài nhảy vào can thiệp.

Đây là những vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta đã nhận diện một cách đầy đủ, toàn diện có giải pháp tích cực phòng ngừa và kịp thời đấu tranh ngăn chặn.

Lên án tội ác, phản bác mọi luận điệu chia rẽ khối đại đoàn kết

Tại ''Hội nghị cấp cao của những người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc'' tổ chức ngày 20/6, chỉ sau vài ngày xảy ra vụ khủng bố chống chính quyền nhân dân tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk (11/6/2023), Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa của Bộ Công an đã khẳng định hành động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk là tội phạm khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí với hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính.

Vụ khủng bố đẫm máu tại Đắk Lắk đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận, ngay sau đó, các đối tượng tham gia đã bị lực lượng chức năng bắt giữ, điều tra và khởi tố. Từ ngày 16 - 20/1/2024, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử sơ thẩm 100 bị cáo về các tội danh liên quan đến khủng bố, với các mức án nghiêm khắc được áp dụng. Trong đó, 10 bị cáo bị kết án chung thân về tội khủng bố, các bị cáo còn lại bị xử phạt từ 3 năm 6 tháng đến 20 năm tù.

Mặc dù các bản án được tuyên đúng người, đúng tội và nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận, nhưng các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ở nước ngoài vẫn lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc sự thật, kích động mâu thuẫn và đưa ra các luận điệu sai lệch.

Các trang mạng như Đài Á châu tự do (RFA), BBC Tiếng Việt, VOA tiếng Việt đã đăng tải nhiều bài viết có tính chất áp đặt, suy diễn vụ việc sang hướng quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước.

Các bài viết này đã cố tình bẻ lái sự thật, quy kết hành vi khủng bố thành “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm dân chủ”, và “thanh trừng phe nhóm”. Chúng mô tả vụ tấn công như một phản ứng từ sự dồn nén và phẫn uất của người dân đối với chính quyền. Những thông tin này không chỉ sai lệch mà còn mang tính chất chia rẽ, kích động mâu thuẫn giữa các dân tộc và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự đoàn kết dân tộc.

Linh mục Y Djan Êban ở buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk (bên phải) giới thiệu về mô hình cà phê của gia đình.

Việc lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để kích động, phá hoại là một chiến lược tinh vi của các thế lực thù địch. Chúng sử dụng các công cụ truyền thông và mạng xã hội để khuếch đại các thông tin sai lệch, tạo ra một bức tranh méo mó về tình hình thực tế. Điều này không chỉ gây rối loạn trong xã hội mà còn làm tổn hại đến quan hệ quốc tế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Y Djan Êban, Mục sư quản nhiệm Chi hội Tin lành buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, là Trưởng Ban quản lý khu vực II của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tại Đắk Lắk gồm 4 huyện: Krông Ana, Cư Kuin, Lắk và Krông Bông, với 155.000 tín đồ, 116 điểm, nhóm hội thánh và 155 mục sư truyền giáo.

Ông cho biết, bản thân ông và đa phần các tín đồ Tin lành trong khu vực II đều là người dân tộc thiểu số. Xưa nay không có chuyện các tín đồ bị chính quyền đàn áp, cấm đoán đi nhà thờ, thực hiện các nghi thức, lễ cầu nguyện, hoặc tham gia các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo của mình.

Những người theo đạo chân chính vẫn luôn được tự do hành đạo theo đúng quy định của pháp luật, sống tốt đời đẹp đạo theo lời răn dạy của Chúa. Các tôn giáo đều hoạt động bình thường và bình đẳng theo đúng pháp luật. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân, tín hữu ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Vì thế, đồng bào các dân tộc thiểu số cần cảnh giác, không nghe theo những lời xúi giục của bọn phản động FULRO lưu vong, đang tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước cũng như phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân.

Thượng tá Y Thu Êban, Phó Trưởng Công an huyện Cư Kuin cho biết, sau khi vụ khủng bố ngày 11/6/2023 xảy ra, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã tích cực phát động quần chúng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đưa các đối tượng có liên quan mà chưa tới mức phải khởi tố hình sự ra kiểm điểm trước dân, bàn giao cho địa phương quản lý, theo dõi và giáo dục.

Cùng với đó, lực lượng công an cũng tăng cường về cơ sở, bám nắm địa bàn, thường xuyên đến nhà dân tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tội ác của bọn phản động FULRO. Vụ khủng bố cho thấy rõ hơn nữa mưu đồ đã và đang được tiến hành trong hàng thập kỷ qua, với mục đích không hề thay đổi đối với vùng đất Tây Nguyên nói riêng, với đất nước nói chung.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Yên ấm những buôn làng

Lê Hương - Đinh Nga - Lê Thành


Ý kiến bạn đọc