Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn giáo dục Đắk Lắk sau ngày giải phóng

08:03, 07/10/2024

Sau ngày giải phóng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được khẩn trương triển khai là việc tổ chức các hoạt động giáo dục, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho xây dựng kế hoạch giáo dục trong những năm tới, phát động phong trào quần chúng tham gia xây dựng nền giáo dục mới.

Nhanh chóng mở lại trường học

Đã 50 năm trôi qua nhưng thầy Hà Ngọc Đào, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, nguyên Phó Ban Giáo dục Đắk Lắk (1973 - 1975) vẫn rưng rưng xúc động khi nhớ về câu chuyện tổ chức hoạt động giáo dục thời mới tiếp quản Buôn Ma Thuột.

Thầy Đào kể rằng, những ngày đầu mới tiếp quản, Buôn Ma Thuột vẫn còn ầm ì tiếng súng, mọi lĩnh vực đời sống xã hội hầu như gián đoạn, tê liệt, đội quân Giáo dục cũng như khối cán bộ Dân - Chính đứng trước núi công việc bộn bề.

Trước khi vào thị xã, mỗi nhà giáo, chiến sĩ đã được phổ biến tình hình, giao nhiệm vụ cụ thể nên hầu như không có sự bỡ ngỡ mà chủ động, nhanh chóng bắt tay vào việc, tập trung làm công tác dân vận, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của dân; tiếp quản cơ sở vật chất, công chức của ngành mình để kịp thời khôi phục và tổ chức các hoạt động giáo dục phục vụ người dân sớm nhất.

Thầy Hà Ngọc Đào kể về chuyện tiếp quản cơ sở giáo dục sau giải phóng Buôn Ma Thuột.

Các nhà giáo ở căn cứ về đã tìm cách bám nắm dân, đến từng nhà để vận động người dân ở lại; hướng dẫn đào hầm trong nhà, trong trường, trong vườn tránh bom đạn; gặp gỡ giáo viên chế độ cũ ở các trường học tuyên truyền về kế hoạch tiếp quản, tổ chức dạy và học sau giải phóng. Chỉ sau thời gian ngắn, mọi người đã nắm bắt cơ bản tình hình, số liệu liên quan và xây dựng phương án tiếp quản, tổ chức dạy và học cụ thể tại các trường.

Thời điểm đó, cả tỉnh chỉ có khoảng 160 cơ sở giáo dục, chủ yếu là các trường thuộc bậc tiểu học và trung học cơ sở, cơ sở vật chất trường học phần lớn tạm bợ và bán kiên cố, với khoảng 1.000 giáo viên; tình trạng mù chữ gần như phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài việc tiếp quản ở thị xã Buôn Ma Thuột, Ban Giáo dục còn cử cán bộ tiếp quản các huyện xa, gặp gỡ giáo viên để vận động mở lại lớp học. Nội dung tuyên truyền vận động chủ yếu xoay quanh 10 chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, về việc mở lại trường lớp, về giáo viên thu dung, về cách thức dạy học; cùng với đó là những hành động cụ thể, thiết thực như bố trí nơi ở cho giáo viên có nhà bị cháy, bị sập do bom đạn, hỗ trợ lương thực cứu đói để giáo viên tin tưởng vào chính quyền cách mạng, yên tâm trở lại trường.

Lúc ấy nguồn nhân lực rất mỏng, lại phải dàn ra nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, nên ai cũng phải nỗ lực làm việc hết mình. Bộ Giáo dục, Ban Giáo dục Khu 5 chỉ đạo bằng nhiều văn bản và chủ trương mở nhiều lớp tập huấn cho giáo viên để nhanh chóng mở lại trường học. Ban Giáo dục gấp rút chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa, nhân sự, cơ sở vật chất để học khóa chuyển tiếp chương trình năm học 1974 - 1975, để thi tốt nghiệp tú tài 2 đúng tiến độ. Ngành giáo dục cũng được cấp sách, vở, tài liệu giảng dạy, học tập, được chi viện cán bộ giáo viên từ miền Bắc, sẵn sàng mở cửa đón học sinh trở lại trường.

Tập trung cho nhiệm vụ  xóa mù chữ

Bám sát tinh thần Chỉ thị số 221-CT/TW ngày 17/6/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày giải phóng, căn cứ vào tình hình thực tế, ngành giáo dục tỉnh nhà đã tập trung vào nhiệm vụ cấp thiết số một là tích cực xóa mù chữ và đẩy mạnh bổ túc văn hóa; thứ hai là phát triển mạnh và đều khắp các trường phổ thông để bảo đảm việc học hành cho hầu hết các con em trong tuổi học, nhất là con em nhân dân lao động

Là một trong những giáo viên miền Bắc đầu tiên chi viện cho ngành giáo dục Đắk Lắk sau giải phóng, thầy Đinh Văn Liên vẫn nhớ không khí khẩn trương trong hoạt động giáo dục giai đoạn này, từ việc tổ chức học tập chính trị trong hè cho giáo viên đến khảo sát tình hình dân cư, mở thêm trường học chuẩn bị cho năm học mới 1975 - 1976. Thầy Liên kể rằng, lúc bấy giờ dân cư còn thưa thớt, khu vực xã Hòa Đông chưa có trường cấp 2 nên Trường cấp 2 số 5 được mở ngay gần bến xe Km 3; dù còn rất đơn sơ nhưng đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn phường Tân Lập (thị xã Buôn Ma Thuột) và học sinh xã Hòa Đông.

Sau gần 50 năm, ngành giáo dục Đắk Lắk đã phát triển vượt bậc cả về hệ thống trường lớp, quy mô học sinh. (Trong ảnh: Trường Tiểu học Yang Hăn ở xã Cư Drăm, huyện Krông Bông được xây dựng khang trang). Ảnh: Tùng Lâm

Đảm nhiệm công việc hiệu trưởng Trường cấp 2 số 5 từ ngày đầu thành lập, thầy Liên đã cùng đồng nghiệp tích cực xây dựng nền nếp học tập, thu hút học sinh đến lớp. Ban ngày giáo viên giảng dạy học sinh ở trường, tối đến lại tỏa xuống các buôn dạy xóa mù chữ, tùy đối tượng giảng dạy mà giáo viên linh hoạt việc soạn giáo án, cách dạy sao cho phù hợp. Tuy có những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng các thầy cô nhận được sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương trong việc nắm bắt tình hình dân cư, vận động người dân ra lớp. Nhờ vậy, ban đầu bà con còn e dè, ngại tiếp xúc, nhưng dần dần đã cởi mở hơn, tự nguyện rủ nhau đi học xóa mù.

Dù còn ngổn ngang công việc sau ngày giải phóng, nhưng công tác giáo dục của tỉnh nhà luôn được chú trọng. Các khóa học liên tiếp được mở ra phục vụ người dân, đặc biệt là ngành bình dân học vụ. Ngành giáo dục đã tổ chức lễ ra quân học bình dân học vụ tại thị xã Buôn Ma Thuột, sau đó phong trào lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh. Những lớp học được mở liên tục cả ngày và đêm; những giáo viên làm công tác quản lý tất bật kiểm tra phong trào phổ thông ở các trường học buổi sáng, buổi tối đến tận nhà vận động người dân tham gia lớp xóa mù chữ… là những hình ảnh in đậm dấu ấn một giai đoạn lịch sử của ngành giáo dục, qua đó đã thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tạo nguồn nhân lực xây dựng đất nước trong những năm tiếp theo.

Thanh Ngọc


Ý kiến bạn đọc