Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025: Phát huy tối đa các động lực tăng trưởng
Chính phủ nhận định, năm 2025 là năm vừa “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Cả nước đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đặc biệt chú trọng cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%; hoàn thành các công trình, chủ trương lớn, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, để đạt được chỉ tiêu trên, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu mức 2 con số trong giai đoạn 2026 – 2030. Đồng thời, triển khai hiệu quả gói tín dụng 145.000 tỷ cho nhà ở xã hội; quyết tâm, quyết liệt xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội đến hết năm 2025, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
|
Để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, Chính phủ tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, thu hồi những dự án không triển khai theo kế hoạch, kiên quyết loại bỏ các dự án không cần thiết; xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút có chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; tận dụng tối đa 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Halal, Mỹ Latinh, châu Phi…
Bên cạnh đó, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới: đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi xanh; tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đô thị, kinh tế vùng, liên kết vùng.
Thi công hầm Phượng Hoàng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Đối với việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia. Trong đó, khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; xây dựng và chuẩn bị tốt các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, bảo đảm không dàn trải, manh mún, giảm số lượng dự án đầu tư công, trong đó có không quá 3.000 dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương; tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân...
Mạnh Quyền
Ý kiến bạn đọc