Nỗi buồn của ngành y tế
Thời gian gần đây, không ít cán bộ các cơ quan nhà nước đã viết đơn xin từ chức. Nếu lý do chính đáng, văn minh, tốt cho tổ chức trong việc phát triển cán bộ thì không có gì để nói.
Tuy nhiên, không ít cuộc “ra đi” để lại nhiều trăn trở, nhất là ở ngành y tế - lực lượng tuyến đầu đóng góp công sức rất lớn để đẩy lùi đại dịch COVID-19 thời gian qua.
Không phải đến khi nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị bắt và khởi tố hình sự, từ một tháng trước, Thứ trưởng bộ này là ông Nguyễn Trường Sơn đã viết đơn xin từ chức. Lý do: quá nhiều áp lực!
Ảnh: Internet |
Ông Sơn đảm nhiệm vai trò Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) trong thời gian 10 năm đã được đánh giá rất cao về y đức và chuyên môn. Bản thân ông, trong vai trò Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhiều lần được dư luận ghi nhận ở tinh thần lăn xả, luôn có mặt ở các “điểm nóng” để chỉ đạo, động viên tinh thần nhân viên lúc cao điểm dịch dã. Nhưng, ông Sơn cũng đã hai lần bị kỷ luật ở mức độ khiển trách và cảnh cáo.
Quả thật, trong 2 năm đại dịch, chưa ngành nào chịu nhiều áp lực như y tế. Đây là lực lượng tuyến đầu, thường xuyên phải làm việc trong trạng thái vô cùng căng thẳng. PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, chuyên gia kinh tế y tế, trong một đề tài nghiên cứu cho biết đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế. Theo đó, khoảng 40% nhân viên y tế cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất, 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ.
Trong bối cảnh khối lượng công việc đồ sộ, đầy áp lực, nhìn lại cả quá trình 2 năm chống dịch càng cho thấy nhân viên y tế và lãnh đạo các cấp, ngành này rất dễ bị sai; đặc biệt là trong lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị, thuốc men. "Những "con sâu" đã bị gạt bỏ ra khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng vì đụng đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh", đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu mới đây đã chia sẻ trong nghị trường.
Cũng theo ông Hiếu, đại dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó khăn của ngành y tế Việt Nam. Với nguồn lực hạn chế nhưng tỷ lệ tử vong của Việt Nam thấp so với nhiều quốc gia giàu có, trong đó, công đầu chắc chắn là những cán bộ, nhân viên y tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong “thời bình” nhân viên y tế lại vô cùng hoang mang khi những biến cố dồn dập xảy ra. Trong đó, vụ việc Công ty Việt Á được ví như “quả bom” phát nổ đã gây sát thương lớn đến ngành y tế. Nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh bị bắt, và con số này có lẽ chưa dừng lại.
Làm sao để cán bộ không “nhúng chàm”, tự mình biến thành “củi” đấy là điều đáng trăn trở. Riêng ngành y tế, thiết nghĩ cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, cơ chế chính sách minh bạch để các cơ sở y tế chủ động tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra mà không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào đâu là thấy y tế tiêu cực ở đó.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc