Đội mạnh cũng có điểm yếu
Thế giới bóng đá đang tụng ca sức mạnh hai đại diện lọt vào chung kết. Thế nhưng, cả Argentina và Pháp vẫn bộc lộ không ít điểm yếu.
“Gót chân Achilles” của nhà đương kim vô địch
Phút thứ 5 trận Pháp - Morocco, lần đầu tiên cổ động viên châu Phi nhìn thấy lưới thủ thành Bono của Morocco bị đối thủ làm rung lên. Ghi bàn quá sớm, ai cũng nghĩ Pháp sẽ “nghiền nát” đối phương với tỷ số đậm. Song, thật bất ngờ khi đại diện Bắc Phi đã vùng lên mạnh mẽ. Rõ ràng, Argentina có thể nhìn ra những ý tưởng cho trận chung kết nếu họ xem cách Morocco tấn công tuyển Pháp.
Trước trận bán kết, người ta có nghi vấn việc Achraf Hakimi có kèm nổi Kylian Mbappe. Tuy nhiên, Hakimi cùng với Hakim Ziyech đã hình thành bộ đôi ăn ý tuyệt vời, “khóa” Mbappe rất tốt. Dường như họ và cầu thủ Morocco đã quan sát kỹ Kyle Walker của đội tuyển Anh đã thi đấu thận trọng như thế nào trước Mbappe vào thứ bảy tuần trước và rút ra kết luận: Tốt hơn là lao lên phía trước, lấy tấn công làm phòng thủ. Tất nhiên, điều này là một canh bạc. Giữa hiệp một, Morocco bộc lộ sơ hở để Mbappe “xé toang” hàng phòng ngự áo đỏ và suýt chút nữa tạo ra bàn thắng thứ hai. Có điều nhìn chung, Morocco đã thành công trong việc khiến tuyển Pháp lo sợ. Với sự dâng cao của Hakimi, cùng những pha đi bóng của Sofiane Boufal, Youssef En-Nesyri, họ đã suýt vượt qua được Ibrahima Konate. Tiếc rằng, giống như Tam sư, Morocco không có một “sát thủ” đúng nghĩa.
Nhiều người thắc mắc sao bước vào hiệp 2, Pháp cũng chơi đủng đỉnh, nhiều thời điểm nhường sân cho đối phương “quấy phá”. Morocco liên tục chồng biên, gây vô số pha bóng nguy hiểm. Thật sự quá nóng ruột khi các chân sút Morocco vẫn… vô hại. Thậm chí, ở khoảnh khắc Aurélien Tchouameni mất bóng ngay trước vòng 16m50, Abderrazak Hamdallah cũng không tận dụng được cơ hội. Ở thời điểm đó, nếu Morocco có một "sát thủ" trong vòng cấm, mọi chuyện sẽ rất khác. Rõ ràng, hàng thủ của Pháp rất có vấn đề. Tuyến tiền vệ, Griezmann phải lùi sâu về bọc lót, nên giảm thiểu sức tấn công của Pháp. Anh cũng chơi lệch về cánh phải, nên đối diện cánh kia Mbappe rơi vào trạng thái “đói” bóng, buộc phải nhiều lần lùi về sâu tự tìm bóng và đột phá lên trên. Nếu “lá phổi” Giezmann bị Argentina hóa giải thì khá nguy cho Pháp. Cựu danh thủ đội tuyển Anh, Rio Ferdinand chỉ ra điểm yếu của tuyển Pháp nằm ở cánh trái. Đây là khu vực mà các đối thủ của họ thường nhắm đến. Quả thật, theo thống kê, một phần ba số bàn thua của Pháp đều đến từ cánh trái. Thật không may, người chơi tốt ở vị trí này là Lucas Hernandez đã gặp chấn thương. Đan Mạch đã thường xuyên tấn công vào cánh trái, nơi Mbappe luôn dâng cao, còn Hernandez thì thiên về tấn công hơn là phòng ngự. Trong trận đấu với Anh, Bukayo Saka và Harry Kane đã bị phạm lỗi và dẫn đến quả phạt đền cũng từ khu vực này. Argentina rất giỏi xử lý bóng trong phạm vi hẹp, Messi có lẽ rất thích sự “hớ hênh” của hàng thủ Pháp.
Đội mạnh Pháp cũng còn bộc lộ không ít điểm yếu. Ảnh: FIFA |
Argentina cần “nam tính” hơn
Argentina đang sở hữu một huấn luyện viên thiên tài. Đấy là nhận xét không sai. Nhưng, Scaloni cũng bộc lộ những khoảnh khắc trì trệ trong chỉ đạo, điển hình trận thua ngày ra quân trước Saudi Arabia, và rõ nhất qua hai lần Argentina suýt thua ngược ở vòng knock-out World Cup năm nay. Hiếm có đội bóng nào đã dẫn trước đối thủ đến 2 bàn ở giai đoạn đấu loại trực tiếp tại World Cup, nhất là với các đội bóng lớn, lại… mong manh như Argentina. Cũng hiếm có ứng cử viên vô địch nào trong suốt chiều dài World Cup lại có tỷ lệ thủng lưới nhiều như đội bóng xứ Tango: Bình quân 1 bàn/trận (tổng cộng thua 5 bàn sau 5 trận đã qua).
Trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, nơi mọi đội bóng đều xem trọng tính an toàn của hàng phòng ngự, Argentina tại World Cup năm nay lại chưa thấy sự an toàn đó. Scaloni rất giỏi ở chỗ khi Argentina chưa có thành quả gì, ông bài binh bố trận rất hay, “khoét” đúng vào những sơ hở nhất của đối phương để đội nhà ghi bàn. Nhưng Scaloni lại có điểm yếu là khi đã nắm trong tay thành quả rồi, ông giữ không chắc. Khả năng không chiến của Argentina lại hạn chế. Trước Australia và Hà Lan, Argentina bị tấn công và để thủng lưới theo đúng một kiểu: Đối thủ điều toàn bộ các cầu thủ cao lớn nhất của họ vào khu vực 16m50 của Argentina, liên tục dội bóng bổng, hàng thủ nhỏ bé của Scaloni dần dần hụt hơi rồi để "xổng" đối phương. Messi cùng đồng đội đã về đích an toàn nhờ nhiều yếu tố may mắn. Huấn luyện viên của đội bóng xứ Tango cũng đưa ra các quyết định thay người ở cuối trận hơi khó hiểu, để rồi suýt phải trả giá. Mọi chuyện đã được cải thiện trong trận bán kết, người ta mong Argentina không vấp phải những sai lầm đã xảy ra trước đó.
Ở trận chung kết, bất cứ một sai sót nào đều trả giá rất đắt. Hy vọng hai đội còn tiềm ẩn nhiều sức mạnh để mang lại một trận cầu giàu bất ngờ, cảm xúc cho người hâm mộ thế giới.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc