Multimedia Đọc Báo in

Tọa đàm về nâng cao chất lượng báo chí địa phương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

16:48, 05/08/2022

Chiều 5/8, tại TP. Đà Lạt, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm nâng cao chất lượng báo chí địa phương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tham dự Tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cùng lãnh đạo Hội Nhà báo của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII khẳng định nhiệm vụ “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” là nhiệm vụ trọng yếu của toàn thể hệ thống chính trị, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc XHCN, trong đó báo chí giữ vai trò xung kích, đấu tranh công khai trên mặt trận này.

Phó Chủ tịch Thường trưc
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch bên ngoài tăng cường cấu kết với các đối tượng phản động trong nước, sử dụng các kênh thông tin, truyền hình trực tuyến làm công cụ, tạo lập diễn đàn, thường xuyên tổ chức chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta trên internet.

Những năm gần đây, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội, lập ra hàng ngàn kênh truyền thông để bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cao cấp, truyền bá tư tưởng chống cộng cực đoan, phá hoại công cuộc xây dựng CNXH, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó có những kênh thu hút hàng trăm nghìn lượt đăng ký, theo dõi.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Trước tình hình đó, báo chí với vai trò là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa đã vào cuộc mạnh mẽ đấu tranh chống các thông tin xấu, độc, tuyên truyền nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, các quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị, phê phán việc lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề biển đảo để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và con đường xây dựng CNXH của nước ta.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa Đoàn Minh Long tham gia tham luận.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung tham luận và trao đổi, đóng góp ý kiến về một số vấn đề, đó là hoạt động thực tế, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với báo chí địa phương hiện nay; những đặc thù trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của mỗi địa phương với các yếu tố địa-chính trị khác nhau; các vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa vùng miền riêng biệt. Đồng thời làm rõ các kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn, thách thức nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh. Từ đó phân tích, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, giải pháp thiết thực giúp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; nâng cao phẩm chất chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, tham gia đấu tranh phản bác trong tình hình mới.

Tổng Biên tập Báo Quảng Trị
Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Trị, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị Trương Đức Minh Tứ tham gia thảo luận.

Trước đó, sáng 5/8, cũng tại TP.Đà Lạt, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai chương trình hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025.   

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 650 phê duyệt Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 - 2020”. Với Đề án này, giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương trên 31,1 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho 4.650 lượt tác giả, nhận được 8.650 tác phẩm báo chí chất lượng cao, tổ chức 330 lớp bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hội viên. Riêng 19 Hội Nhà báo khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giai đoạn này thực hiện hỗ trợ 8,7 tỷ đồng.

Đại biểu
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai chương trình hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp nối thành công của Đề án, ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 558 phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025” với nguồn kinh phí hỗ trợ lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng về Đảng, Bác Hồ, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng, các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn an ninh, chính trị, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, xoá đói giảm nghèo…

Dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã hướng dẫn Hội Nhà báo các tỉnh một số vấn đề triển khai nội dung chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 liên quan quan đến mục tiêu của chương trình hỗ trợ và các hoạt động được hỗ trợ. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, thực hiện quy chế hỗ trợ và lập báo cáo quyết toán kinh phí chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và Hội Nhà báo địa phương.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.