Multimedia Đọc Báo in

Trường Đại học Tây Nguyên: Hội thảo "Công bố khoa học và hợp tác với đối tác định hướng đến 2025 và tầm nhìn 2030"

17:58, 25/11/2022

Ngày 25/11, Trường Đại học Tây Nguyên đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công bố khoa học và hợp tác với đối tác định hướng đến 2025 và tầm nhìn 2030”.

Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo, các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các sở, ban, ngành, các Viện, trung tâm nghiên cứu... khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận.

h
TS. Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ cùng với việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng, giải pháp mang tính quyết định nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả kinh tế, tạo và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trường Đại học Tây Nguyên xác định rõ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước là cơ hội lớn để nhà trường phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật.

Giai đoạn 2020-2022, toàn Trường Đại học Tây Nguyên đang thực hiện 1 đề tài nghị định thư với Đài Loan, 1 nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia, 1 chương trình khoa học công nghệ cấp bộ, 17 đề tài cấp bộ, 10 đề tài cấp tỉnh, 5 đề tài nafosted, 284 đề tài cấp cơ sở và cơ sở trọng điểm và 35 hợp đồng dịch vụ, 1 dự án tăng cường năng lực phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và hợp chất tự nhiên. Viên chức của nhà trường đã công bố trên 150 bài báo trên các tạp chí quốc tế, tổ chức 27 Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

H
Đại diện Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên trình bày báo cáo tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, có 6 báo cáo tiêu biểu (trong số 29 bài báo cáo tham luận gửi đến hội thảo) đã được lựa chọn để trình bày. Cụ thể: “Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ sinh học trong phát triển nông lâm nghiệp bền vững ở Tây Nguyên (Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Tây Nguyên); “Kết quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của Viện Khoa học Kỹ thuật giai đoạn 2011-2021 (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên); “Tiềm năng và triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Gia Lai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai); “Kết quả khảo nghiệm một số giống Diêm mạch trên đất nâu đỏ bazan và đất xám tại Tây Nguyên (Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên); “Sử dụng phụ phế phẩm trong chăn nuôi gia súc nhai lại (Phân viện chăn nuôi Nam Bộ); “Tỷ lệ mắc và các yếu tố nguy cơ của đột quỹ não: một nghiên cứu dựa vào cộng đồng tại tỉnh Đắk Lắk” (Khoa Y Dược, Trường Đại học Tây Nguyên).

h
Các đại biểu tham quan, trải nghiệm các sản phẩm nghiên cứu khoa học Trường đại học Tây Nguyên trong khuôn khổ hội thảo.

Hội thảo đã xác định, đánh giá nhu cầu và khả năng hợp tác khoa học công nghệ giai đoạn 2023 -2025 và tầm nhìn 2030 giữa các nhà khoa học với các bên liên quan trong các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, sinh học, y học..., với một số nội dung cụ thể như: ứng dụng công  nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân và xử lý môi trường trong biến đổi khí hậu; nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ 4.0 phát triển các ngành hàng chủ yếu theo định hướng thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp và gắn với chế biến sâu và phát triển chuỗi giá trị; các nghiên cứu về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe...

h
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp hình lưu niệm.

Thông qua hội thảo đã tạo cơ hội để kết nối các chuyên gia đầu ngành; là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, nâng cao kiến thức chuyên môn từ đó tăng cường mối quan hệ mật thiết, hiểu biết, chia sẻ và hợp tác lẫn nhau về phát triển khoa học công nghệ.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.