Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Phát huy năng lực “4 tại chỗ” để chủ động phòng chống dịch COVID-19

15:22, 01/09/2021

Sáng 1-9, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn

Xác định đúng nguy cơ, kiểm soát có hiệu quả 

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, tính đến 31-8, trên địa bàn huyện có 109 trường hợp bị nhiễm COVID-19, trong đó có 41 bệnh nhân đã điều trị khỏi; 302 người được cách ly tập trung tại cơ sở cách ly tập trung của huyện, trong đó 89 trường hợp chuyển đi điều trị, 84 người đã hoàn thành cách ly, 129 người đang cách ly tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú; 13.584 trường hợp cách ly tại nhà, trong đó đã hoàn thành cách ly 12.543 trường hợp; đang thực hiện cách ly 1.041 trường hợp.

Toàn huyện có 8.342 trường hợp được tiêm vắc xin mũi 1; 2.416 trường hợp được tiêm mũi 2.

Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội được chính quyền địa phương các cấp đặc biệt quan tâm. Cụ thể, UBND huyện đã chủ động mua 5 tấn gạo cùng nhu yếu phẩm các loại để hỗ trợ khẩn cấp cho 1.158 hộ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sau khi tiếp nhận gần 63,7 tấn gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên (ngày 23-8), UBND huyện đã phân bổ về 15 xã, thị trấn, thực hiện cấp phát cho 1.244 hộ, với 4.245 nhân khẩu. Từ nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, các tổ chức, đoàn thể đã triển khai hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, khó khăn trong khu vực phong tỏa, vùng dịch ở TP. Hồ Chí Minh…

Bí thư Huyên ủy Trần Hồng Tiến phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Huyện ủy Trần Hồng Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Trần Hồng Tiến khẳng định, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của huyện luôn chủ động nắm bắt tình hình, nhận định đúng các nguy cơ, công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch được triển khai nhanh chóng, kịp thời nên đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát, xã Vụ Bổn - vùng cách ly y tế - đã qua 21 ngày không phát sinh thêm ca mới.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong điều kiện đặc thù của địa phương là đang vào chính vụ thu hoạch sầu riêng, để bảo đảm thực hiện mục tiêu “kép”, Ban chỉ đạo cũng đã yêu cầu các ngành liên quan, lực lượng chức năng tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giao thông vận tải; kiểm dịch chặt chẽ tại các vựa thu mua sầu riêng.

Tiếp tục chủ động các phương án

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Đinh Xuân Diệu cho biết, với tâm thế sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh, địa phương đã chủ động chuẩn bị về nguồn lực, bảo đảm yếu tố "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong phòng, chống dịch bệnh.   

Trên địa bàn huyện đã chuẩn bị được 3 khu cách ly, với tổng quy mô 460 giường. Bên cạnh đó, huyện cũng đã có phương án dự phòng trưng dụng Trường Mầm non thị trấn Phước An và Trường Mầm non Đức Tài để làm khu cách ly, sẵn sàng ứng phó với các tình huống cấp bách.

Hiện nay, các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực y tế đều đã được rà soát và có phương án phân bổ cụ thể bảo đảm theo yêu cầu phòng chống dịch của tỉnh. UBND huyện đã hỗ trợ 2 tỷ đồng để đầu tư cơ sở cách ly tập trung, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho Phòng khám đa khoa 719 có thể trưng dụng để làm cơ sở điều trị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá công tác kiểm soát dịch bệnh được địa phương triển khai có hiệu quả, trong 3 ngày liên tiếp không phát sinh ca bệnh mới, vùng dịch đã qua 21 ngày không phát sinh ca bệnh trong cộng đồng. Để làm được điều này thì sự chủ động của địa phương và ngành y tế nơi đây đóng vai trò quan trọng.

Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, mỗi địa phương có những nguy cơ lây lan dịch bệnh khác nhau, ở huyện Krông Pắc nguy cơ chủ yếu là người từ vùng dịch, đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển nông sản, đặc biệt trong mùa sầu riêng. Việc phòng chống dịch của địa phương đang tập trung vào các yếu tố nguy cơ này là hướng đi đúng đắn cần được tăng cường hơn nữa để nâng mức độ kiểm soát đối với những đối tượng này. Nhất là trong chiến dịch test sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng theo chỉ đạo của tỉnh thì việc xác định đúng các nguy cơ để xây dựng phương án sẽ bảo đảm được tính an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.

Trong vòng 14 ngày gần đây, toàn huyện ghi nhận 25 ca mắc ở 8/16 xã, như vậy theo đánh giá của cơ quan y tế, vẫn còn 50% số xã có nguy cơ, nên Krông Pắc vẫn nằm trong "vùng cam". Cho nên ông Phúc cho rằng, nếu đưa Krông Pắc vào tình huống cấp độ 4 thì chính quyền địa phương cần xem xét thiết lập khu cách ly tập trung bảo đảm tránh lây nhiễm chéo; quản lý chặt chẽ hơn nữa các đối tượng cách ly tại nhà; kiểm soát việc giao thương, đi lại giữa các vùng lân cận tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh đi kiểm tra cơ sở cách ly tập trung
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cùng Đoàn công tác đi kiểm tra tại cơ sở cách ly tập trung Trường Dân tộc nội trú - THCS huyện Krông Pắc

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Cảnh đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện, đồng thời yêu cầu địa phương tiếp tục chủ động tập trung huy động các nguồn lực bảo đảm phương châm "4 tại chỗ".

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; tăng cường thực hiện kiểm tra, rà soát đối tượng từ các vùng dịch về cư trú trên địa bàn huyện; thực hiện nghiêm túc các biện pháp cách ly y tế; phát huy hơn nữa vai trò của các “Tổ COVID cộng đồng” trong việc chủ động nắm bắt thông tin, hỗ trợ chính quyền địa phương các cấp trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Bên cạnh tập trung cho công tác phòng, chống dịch, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội. Những vấn đề vượt thẩm quyền, chính quyền địa phương báo cáo cụ thể cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.