Multimedia Đọc Báo in

Ngày 23-10, Quốc hội thảo luận, góp ý đối với công tác tư pháp và 2 dự án luật

18:07, 23/10/2021

Tiếp tục ngày làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo và góp ý, thảo luận đối với nhiều nội dung quan trọng.

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo, thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-6-2006, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18-6-2009. Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập, nên việc sửa đổi Luật điện ảnh là cần thiết nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và về điện ảnh nói riêng.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Dự thảo Luật sửa đổi phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, gồm: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26-11-2003 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2004), đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013, là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả; các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua đã có đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực hơn; các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nên cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn. Theo đó, dự thảo Luật có 8 chương và 98 điều (sửa đổi, bổ sung 18 điều về công tác thi đua và sửa đổi, bổ sung 53 điều liên quan đến khen thưởng), trong đó các nội dung được sửa đổi bổ sung bao gồm: nội dung về thi đua, khen thưởng; quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng…

Đại biểu Quốc hội Phúc Bình Niê Kdăm đóng góp ý kiến đối với các dự thảo luật.
Đại biểu Quốc hội Phúc Bình Niê Kdăm phát biểu ý kiến.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo, báo cáo thẩm tra và thảo luận trực tuyến đối với công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến…

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao kết quả các ngành đã đạt được, nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội, đồng thời chia sẻ với Chính phủ, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến một số chỉ tiêu công tác giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù về tổng thể thì tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng; tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng 20,18% và diễn biến phức tạp; vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi; tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp; tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội (mới đạt mới đạt 88,81%), chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 90%). Công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, tuy nhiên, số lượng tố giác, tin báo về tội phạm phải tạm đình chỉ giải quyết còn chiếm tới 49,6%; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm giảm 4,3% và tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng giảm 5,03% so với năm 2020.

Công tác xét xử gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song các TAND đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác tiếp tục đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội….

Ngày mai (24-10), Quốc hội thảo luận trực tuyến đối với các báo cáo về công tác tư pháp; phòng chống tham nhũng; phiên tòa trực tuyến… Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề mà ĐBQH nêu.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.