Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô
Mùa khô năm 2022 đang bước vào thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh ở mức cao. Để đảm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) hiệu quả với phương châm "lấy phòng là chính", các chủ rừng, địa phương có rừng đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để đối phó với "giặc lửa".
Chủ động từ cơ sở
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (gọi tắt là Công ty) hiện đang quản lý hơn 24.500 ha rừng tự nhiên và 1.691 ha rừng trồng. Vào mùa khô, nắng nóng làm thảm thực bì của các cánh rừng ở đây khô, rất dễ bắt lửa gây ra cháy rừng. Cùng với đó, do rừng của đơn vị này tiếp giáp với nhiều khu vực dân cư và nương rẫy của người dân, vào mùa khô người dân thường hay đốt thực bì để làm nương rẫy nên nguy cơ cháy lan sang rừng. Ngoài ra, mùa này một số người dân lợi dụng phát rừng, đốt rừng để lấn chiếm đất làm nương rẫy càng khiến cháy rừng dễ xảy ra.
Tuần tra bảo vệ rừng ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông. |
Trước những nguy cơ này, ngay từ đầu mùa khô Công ty đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để PCCCR. Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, do địa hình rừng núi ở đây phức tạp với nhiều dãy núi cao, vực sâu nên nếu cháy rừng xảy ra sẽ rất khó triển khai lực lượng, thiết bị để chữa cháy, do đó sẽ gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng. Vì vậy đơn vị lấy phòng, chống cháy làm chính. Công ty đã triển khai công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR cho người dân sống gần rừng; hướng dẫn người dân đốt nương làm rẫy một cách an toàn; không được mang lửa vào rừng, đốt rừng làm nương rẫy. Tổ chức phát dọn đường băng cản lửa ở những khu vực có nguy cơ phát sinh nguồn cháy, làm mới và đóng các biển báo cháy, biển cấm lửa, rà soát các khu vực có nguy cơ cháy cao để cử lực lượng túc trực ngày đêm. Cùng với đó, đơn vị cũng đã thành lập 10 tổ PCCCR để kịp thời xử lý thông tin và các vụ việc liên quan đến cháy rừng.
Tương tự, tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hơn 59.491 ha rừng đặc dụng. Do địa hình gồm nhiều dãy núi cao, chia cắt, nếu xảy ra cháy sẽ rất khó ngăn chặn. Vào mùa khô, những cánh rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao vì lớp thực bì có độ dày từ 5 - 10 cm nên dễ bắt lửa; có gần 10.000 ha rừng lá kim nằm trong vùng lõi - những loại cây này có nhiều tinh dầu nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Ngoài ra, vào mùa khô người dân ở những khu vực giáp ranh với Vườn tranh thủ phát dọn, đốt thực bì trên nương rẫy dễ làm lửa cháy lan vào rừng. Do đó, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã tiến hành phát đường băng cản lửa nhằm cách ly nguồn cháy, làm mới bảng cấm lửa, ký bản cam kết không gây cháy rừng với các hộ dân sống gần rừng. Cùng với đó, Vườn đã phân công cán bộ túc trực ngày đêm ở các chòi canh lửa nằm trong vùng lõi của Vườn để theo dõi, thông tin kịp thời khi có cháy xảy ra; tiến hành xử lý vật liệu cháy ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, đặc biệt là khu vực phân bố loài thông ba lá; tổ chức tuyên truyền công tác PCCCR cho người dân thông qua các cuộc họp thôn, buôn; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát…
Cảnh giác cao độ với “giặc lửa”
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 508.564 ha rừng, trong đó có gần 200.000 ha rừng được xác định là khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rất cao trong mùa khô, chủ yếu là rừng khộp, rừng lá kim, rừng hỗn giao và rừng trồng có nhiều vật liệu dễ gây cháy, nhất là vào các tháng cao điểm của mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 4). Diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao tập trung tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk và Krông Năng.
Phát dọn đường băng cản lửa ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. |
Để đảm bảo công tác PCCCR hiệu quả, kịp thời, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác này như: Quyết định số 04/2022/QĐ-UBND, ngày 7/1/2022 ban hành quy định PCCCR trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Kế hoạch số 13/KH-UBND, ngày 14/1/2022 về bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh năm 2022... Từ đó, các đơn vị chủ rừng, địa phương chủ động xây dựng, triển khai phương án PCCCR theo phương châm "bốn tại chỗ" và phòng cháy là chính, kiên quyết xử lý khi đám cháy mới phát sinh, báo cáo kịp thời tình hình phòng cháy, chữa lên cấp trên để chủ động ứng phó trong mọi tình huống; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR, kịp thời thay mới, sửa chữa đối với những phương tiện hư hỏng, để đảm bảo phương tiện hoạt động tốt khi có cháy rừng xảy ra.
Các ngành chức năng cũng tiến hành tổ chức kiểm tra công tác PCCCR đối với các chủ rừng và địa phương, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý những đơn vị lơ là đối với công tác này; tuyên truyền rộng rãi đến người dân về việc chung tay bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng... Cùng với đó, duy trì lực lượng chốt chặn, tuần tra phát hiện cháy rừng ở các địa bàn; tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ tiếp nhận thông tin cháy rừng khi cảnh báo cháy rừng mức độ IV và V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm); bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện để xử lý khi có cháy rừng xảy ra…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc